SƯU TẬP TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA QUÂN THÀNH BẮC HIỆN ĐANG LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG BẮC NINH

Cách đây 63 năm về trước, vào mùa thu tháng Tám lịch sử, “Quân Thành Bắc” đã có những đóng góp không nhỏ vào công cuộc giải phóng thị xã Bắc Ninh ngày 08/8/1954.

Tiền thân là một trung đội của Ban chỉ huy quân sự thị xã Bắc Ninh, được nhân dân quen gọi là Quân Thành Bắc. Trong kháng chiến chống Pháp, với nhiệm vụ của bộ đội địa phương, bộ đội Thành Bắc đã kiên trì bám dân, bám đất cùng với dân quân du kích địa phương liên tục tấn công địch ghi được nhiều thành tích vẻ vang tiêu biểu là trận đánh cầu phao (Đáp Cầu) và ga Bắc Ninh- hai vị trí phòng ngự dầy đặc của địch. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Quân Thành Bắc là một đội quân cốt cán, mưu trí, đơn vị dùng lực lượng nhỏ đánh hàng chục lần tiêu diệt gọn quân thù mà bộ đội ta không bị thương vong. Ngoài ra quân Thành Bắc còn phối hợp quân dân địa phương và bộ đội chủ lực đánh phá nhiều đồn bốt quan trọng, biến vùng địch tạm chiếm thành địa bàn hoạt động chiến tranh nhân dân, với những phong trào lập quỹ nuôi quân, ủng hộ mùa đông binh sĩ, mua công phiếu kháng chiến… Những thành tích của Quân Thành bắc đã góp phần vào công cuộc giải phóng thị xã Bắc Ninh tiến đến giải phóng, thống nhất hoàn toàn miền Bắc chấm dứt 9 năm kháng chiến chống Pháp bảo vệ độc lập dân tộc.

Để góp phần tuyên truyền, giới thiệu những thành tích của đội quân Thành Bắc với cách mạng, trong những năm qua, Bảo tàng Bắc Ninh đã tổ chức gặp gỡ các nhân chứng, ghi chép những câu chuyện kể và sưu tầm được nhiều hiện vật gốc liên quan trực tiếp đến các hoạt động của đội Quân Thành Bắc trong kháng chiến, tiêu biểu:

– Thuyền nan: dân quân du kích thôn Hữu Chấp, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh dùng chuyên chở cán bộ cấp trên, bộ đội chủ lực, bộ đội Thành Bắc và vận chuyển vũ khí từ vùng tự do vào vùng địch tạm chiếm và từ vùng hậu địch ra vùng tự do năm 1950 – 1954 tại bến đò thôn.

– Thúng sơn: Bộ đội thành Bắc dùng đựng mìn thả trôi dòng sông Cầu để đánh phá cầu phao Đáp Cầu nhằm cản bước tiến của thực dân Pháp trong những năm 1950 – 1953. Đây là chiếc cầu quan trọng của quân viễn chinh Pháp nối liền các tuyến đường của vùng Đông Bắc với Hà Nội.

– Nắp hầm bí mật và Cuốc đào hầm bí mật: dùng đào hai hầm bí mật và cải trang HBM, nuôi dưỡng cán bộ Thị ủy Bắc Ninh, bộ đội Thành Bắc hoạt động cách mạng trong vùng địch hậu những năm 1949 – 1954.

– Loa truyền thanh: bằng vỏ bầu khô đặt trên đỉnh núi Quả Cảm dùng để báo cho nhân dân sơ tán khi thực dân Pháp đến càn quét các làng trong xã Hòa Long trong những năm 1948 – 1949.

– Mã tấuLà vũ khí tự vệ dùng để diệt tề trừ gian và bảo vệ các cán bộ cấp trên, bộ đội chủ lực, bộ đội Thành Bắc gây dựng cơ sở hoạt động cách mạng trong những năm 1948 – 1954.

– Đĩa: gia đình ông đã dùng nuôi dưỡng, bảo vệ an toàn bộ đội Thành Bắc về hoạt động trong vùng địch tạm chiếm từ năm 1950 – 1954.

– Dao găm: Là chiến lợi phẩm thu được của quân Pháp khi du kích thôn Quả Cảm tấn công thành Bắc Ninh góp phần giải phóng thị xã năm 1953 – 1954.

– Hộp đựng dụng cụ cắt tóc: Dùng để cải trang đựng thư từ tài liệu của quân Thành Bắc trong những năm 1949 – 1954.

– Hộp đựng đạn và viên đạn: Đơn vị Thành Bắc trang bị cho ông khi tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp từ năm 1949 – 1953.

– Lá cờ do ông Quốc Minh (Nguyễn Kinh Khoan) dẫn đầu đoàn Y Na tham gia phá cuộc mít tinh của bọn Đại Việt quốc gia liên minh tuyên truyền, gây ảnh hưởng cho chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim ở sân vận động Suối Hoa ngày 19/8/1945.

 – Các ảnh, tài liệu hồi ký về quân Thành Bắc

Đây là những hiện vật, tài liệu quý về bộ đội Thành Bắc đã tái hiện lại một phần không khí tháng Tám lịch sử hào hùng của cha ông, góp phần bổ sung kho cơ sở của Bảo tàng và phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho các thế hệ sau.

 

Ngày đăng: 01-09-2017
Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website