Sưu tập hiện vật thời kỳ Văn hóa Đông Sơn trong kho cơ sở Bảo tàng Bắc Ninh
Nền văn hóa Đông Sơn có bề dày lịch sử hơn 2500 năm, với giá trị tiêu biểu đặc sắc, đã để lại đến ngày nay nhiều di tích, di vật có ý nghĩa nghiên cứu vô cùng sâu sắc trên khắp các vùng của quê hương, đất nước ta. Đó là nền văn hóa có vị trí quan trọng trong tiến trình lịch sử - văn hóa Việt Nam và có sức hút mãnh liệt đối với các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước suốt gần 1 thế kỷ qua. Sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn vô cùng phong phú về số lượng, loại hình và đa dạng chất liệu. Chúng là những bằng chứng vật chất xác thực của một nền văn minh phát triển rực rỡ từ rất sớm và là một trong những nền văn minh tiêu biểu của Người Việt cổ.
Các hiện vật văn hóa Đông Sơn ở Bắc Ninh đến nay được biết đến thông qua kết quả khai quật khảo cổ ở các di chỉ tiêu biểu: lớp trên di chỉ Nội Gầm, di chỉ Quả Cảm (Yên Phong), Di chỉ Vườn Chiều, Di chỉ mộ táng Lãng Ngâm (nằm ở chân núi Thiên Thai huyện Gia Bình). Những mộ táng hình thuyền ở Lương Tài và các di chỉ Bãi Giữa sông Dâu xã Thanh Khương, di chỉ Đại Trạch (Thuận Thành)
1.Di chỉ Nội Gầm: thuộc huyện Yên Phong, được tiến hành khai quật năm 1973 do sự phối hợp của Ty Văn hóa Thông tin Hà Bắc với trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là di chỉ khảo cổ học được phát hiện đầu tiên ở huyện Yên Phong. Khung niên đại của di chỉ khảo cổ này vào khoảng thế kỷ III-IV trước Công nguyên, thuộc giai đoạn của nên văn hóa Gò Mun – đầu thời đại đồ sắt
2.Di chỉ Quả Cảm: thuộc huyện Yên Phong, là một di tích thuộc nền văn hóa Đông Sơn, với những đặc điểm của loại hình trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây có hai loại rìu xéo, mũi chúc, dao găm cán hình củ hành – đó là đặc trưng chung của nền văn hóa Đông Sơn
Các di vật thu được từ di chỉ Quả Cảm hiện lưu giữ ở Bảo tàng Bắc Ninh gồm có: 02 rìu đồng, 08 giáo đồng, 01 chuôi dao găm, 01 gương đồng, 03 bát đồng, 01 vòng đeo tay, 1 quả cân
3.Di chỉ Lãng Ngâm: thuộc huyện Gia Bình, là một di chỉ khảo cổ học lớn kéo dài từ chân núi Cả đến suốt cánh đồng Mả Vường, với diện tích hàng vạn mét vuông. Hiện vật ở di chỉ khảo cổ này khá phong phú, độc đáo trong đó có vài hiện vật ít gặp ở các di chỉ đồ đồng trước đó. Nhìn chung các di vật ở đây mang tính bản địa sâu sắc. Đó là sản phẩm của cư dân có nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng. Bao gồm: 14 rìu đồng, 08 giáo đồng, 01 đục đồng, 03 mũi tên đồng, 02 mảnh khuy…
Di chỉ Lãng Ngâm có 1 tầng văn hóa thuần nhất đó là một di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Đông Sơn, loại hình Đường Cổ.
4- Một số di chỉ, di vật khác:
Các di vật gốm ở di tích Nội Gầm, Quả Cảm (Yên Phong), Vườn Chiều (Gia Bình) – đều là kiểu gốm Đường Cổ
Mộ táng hình thuyền ở di chỉ Trung Chính, Bình Dương, Tân Lập nêu trên, tương tự kiểu mộ hình thuyền Việt Khê (ở Hải Phòng).
Ở các địa phương khác, do phát hiện ngẫu nhiên (không qua tổ chức khai quật khảo cổ) đã sưu tầm về Bảo tàng tỉnh một số hiện vật tiêu biểu, có giá trị như: 1 Trống đồng ở Quế Tân (Quế Võ), 2 rìu đồng ở Đông Cứu (Gia Bình), 1 rìu đồng ở khu vực Dâu (Thuận Thành), 3 rìu đồng ở Đại Trung (Tiên Du), 4 nhạc khí ở Trịnh Xá (Từ Sơn).
5-Di chỉ khảo cổ học Đại Trạch: thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành. Địa điểm khảo cổ này được phát hiện từ cuối năm 1990 do một nông dân thôn Đại Trạch đào đất làm gạch đã phát hiện được 2 ngôi mộ cổ và một số đồ đồng của văn hóa Đông Sơn. Sau đó Viện Khảo cổ đã cử cán bộ về phối hợp cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh xuống địa phương xác minh cụ thể. Từ đó Đại Trạch được biết đến như khu di chỉ mộ táng của văn hóa Đông Sơn.
Năm 2000 đầu 2001, một số cư dân ở đây đã đào bới ở khu vực di chỉ Đại Trạch và tìm được một số đồ đồng Đông Sơn. Bảo tàng Bắc Ninh đưa về bảo quản như tấm che ngực, trống đồng (3 hiện vật), chuông phình cong và thu hẹp dần từ miệng tới đỉnh, quai hình bán nguyệt ở đỉnh chuông. Thạp đồng, rìu lưỡi xéo, rìu xòe cân, mũi lao, ngoài ra có mảnh khuyên tai và một số mảnh gốm vỡ.
Đầu năm 1999 tại khu vực thành cổ Luy Lâu các nhà khảo cổ đã phát hiện được mảnh khuôn đúc trống đồng cổ, còn rõ nét hoa văn, họa tiết. Di sản văn hóa đặc biệt này hiện đang lưu giữ bảo quản tốt tại Bảo tàng Bắc Ninh.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa Bắc Ninh và Viện khảo cổ học có điều kiện phối hợp tốt hơn nữa, đầu tư cho công tác nghiên cứu khai quật nhiều hơn, chắc chắn các di chỉ, di sản văn hóa Đông Sơn ở Bắc Ninh sẽ còn được phát hiện nhiều vấn đề có ý nghĩa lịch sử quan trọng hơn
Một số hiện vật thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn đang lưu giữ tại kho Bảo tàng:
Lê Hồng Ngân (TP Kiểm kê- Bảo quản)
Các bài viết khác
SƯU TẬP HIỆN VẬT CỦA ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN LÊ XUÂN DỴ 26-07-2022
Hiện vật phục chế 21-04-2022
Hiện vật giấy 21-04-2022
Hiện vật đồ kim loại 21-04-2022
Hiện vật đồ gốm - sứ 21-04-2022
Hiện vật đồ gỗ 21-04-2022
Hiện vật đá 21-04-2022
Sưu tập hiện vật phản ánh về quê hương nhà Lý tại Bảo tàng Bắc Ninh 17-03-2020
SƯU TẬP HIỆN VẬT TẠI THÀNH CỔ LUY LÂU TRONG KHO CƠ SỞ BẢO TÀNG 28-09-2018