Sưu tập hiện vật khảo cổ tại các di chỉ khảo cổ

Sưu tập hiện vật khảo cổ học đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sưu tập hiện vật Bảo tàng Bắc Ninh. Đây là những hiện vật có giá trị, là vốn tài sản quý giá, là nguồn sử liệu quan trọng có thể khai thác, sử dụng phục vụ cho các khâu công tác nghiệp vụ của Bảo tàng. Hiện nay trong kho cơ sở của Bảo tàng Bắc Ninh đang lưu giữ hơn 1116 hiện vật thuộc 15 di chỉ khảo cổ học trên địa bàn toàn tỉnh. Trong bài viết xin giới thiệu một số di chỉ tiêu biểu.

1. Di chỉ Bãi Tự – Tiêu Sơn

Bãi Tự là tên một đồi đất cổ thuộc làng Tiêu Thượng, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn. Di chỉ khảo cổ học Bãi Tự là một công xưởng chế tác đá thủ công. Công xưởng Bãi Tự chuyên sản xuất các loại công cụ sản xuất, đồ dùng, đồ trang sức bằng đá. Những di vật để lại cho thấy họ đã đạt được đỉnh cao tuyệt vời của làng nghề đồ đá Việt Nam. Di chỉ thuộc giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên.

 Hiện vật khai quật được ở đây bao gồm: Tiền, rọi se chỉ, võng, mũi khoan, mảnh rìu, bàn mài ráp…

2. Di chỉ chùa Lái

Di chỉ thuộc khu Xuân Ổ B, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh nằm ven bờ sông Tiêu Tương cổ. Vào năm 1974 trường Đại học Tổng hợp phối hợp với Ty văn hóa Hà Bắc tiến hành khai quật di chỉ này. Qua nghiên cứu cho thấy di chỉ này có nhiều nét tương đồng với di chỉ Bãi Tự, theo đánh giá sơ bộ thì di chỉ thuộc giai đoạn đồng thau.

Hiện vật khai quật được ở đây: rìu, phác vật, mảnh vòng, lưỡi lao…

3. Di chỉ Nội Gầm

Di chỉ thuộc xã Dũng Liệt, huyện Yên phong, nằm ven bờ sông Cầu. Năm 1973 Viện khảo cổ học, trường đại học Tổng Hợp kết hợp với ty văn hóa Hà Bắc tiến hành khai quật di chỉ này. Qua nghiên cứu các hiện vật khai quật được các nhà nghiên cứu cho rằng đây là địa bàn cư trú quan trọng của người Việt cổ, chủ nhân của nền văn hóa từ cuối thời đại đá mới.

Hiện vật tiêu biểu: Rìu, quả cân

4. Di chỉ Quả Cảm

Di chỉ thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh

Năm 1973, 2014 di chỉ này đã được khai quật. Qua quá trình khai quật đã phát hiện nhiều hiện vật gốm thời kỳ văn hóa Đông Sơn và Hán, thu được nhiều tư liệu về tầng địa, di tích, di vật giúp các nhà khoa học hiểu thêm về quá trình hình thành và tàn lụi của trung tâm sản xuất gốm sành Quả Cảm.

Hiện vật tiêu biểu: Quả cân, dáo, gương, chuôi dao găm…

5. Di chỉ Lãng Ngâm

Di chỉ thuộc xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình. Năm 1973 trường Đại học Tổng hợp tiến hành khai quật phát hiện nhiều hiện vật, qua nghiên cứu cho thấy đây là các công cụ lao động của người Việt cổ thuộc văn hóa Đông Sơn.

Hiện vật tiêu biểu: Dáo, rìu xòe cân, rìu lưỡi xéo.

6. Di chỉ thành Luy Lâu

Di tích thành Luy Lâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Đây là đô thị vào loại sớm và lớn bậc nhất Bắc Việt Nam, với số lượng và loại hình di tích di vật phong phú và đa dạng. Di tích đã qua nhiều lần khai quật vào các năm 1986, 2000, 2001, 2008, 2012, 2014.

Hiện vật tiêu biểu: Mảnh khuôn đúc trống đồng, bình Kendy, vại, bát, vò, chì lưới…

Chì lưới
Chì lưới
Mảnh khuôn đúc trống đồng

Mảnh khuôn đúc trống đồng

7. Di chỉ chùa Dạm

Di chỉ chùa Dạm thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Đây là một đại danh lam thời Lý. Chùa Dạm đã qua nhiều đợt khai quật vào các năm 2009, 2012. Các cuộc khai quật khảo cổ này phần lớn được tiến hành với qui mô lớn, thu được nhiều hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, mỹ thuật thuộc các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn.

Hiện vật tiêu biểu: Mảnh viên gạch, đầu rồng, đầu tượng kim cương, lá đề, ngói…

Trên đây là một số di chỉ tiêu biểu qua các thời kỳ: Giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên, giai đoạn văn hóa Đồng Đậu – Gò Mun, giai đoạn văn hóa Đông Sơn, giai đoạn Lý – Trần – Lê Sơ – Lê Trung Hưng – Nguyễn. Ngoài ra còn một số di chỉ khác thuộc văn hóa Hánnhư: Di chỉ Đông Xuyên (xã Đông Tiến, Yên Phong) hiện vật: Vung gốm, nhĩ bôi, lọ; Di chỉ Hồ Tú (xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành) hiện vật: Vò, vung, mảnh nồi, mảnh vò; Di chỉ mộ cổ Núi Trống (xã Vạn An, thành phố Bắc Ninh) hiện vật: Thìa, bát; Di chỉ mộ cổ Núi Và (xã Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh) hiện vật: Vò, gạch.

Ngày đăng: 27-06-2019
Phòng Kiểm kê - Bảo quản

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website