Sưu tập hiện vật phản ánh về quê hương nhà Lý tại Bảo tàng Bắc Ninh

Hiện nay trong kho cơ sở Bảo tàng Bắc Ninh lưu giữ nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị phản ánh về di sản văn hóa của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có bộ sưu tập hiện vật liên quan đến quê hương của nhà Lý.

 Theo sử sách và thư tịch tài liệu cổ như: “Việt sử lược”, ‘Thiền uyển tập anh, “Đại Việt sử ký toàn thư”… đều cho biết quê hương các vua Lý ở đất Cổ Pháp lộ Bắc Giang (nay thuộc các phường Đình Bảng, Dương Lôi, Tân Hồng thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Di sản văn hóa phản ánh về quê hương nhà Lý ở Bảo tàng Bắc Ninh bao gồm: Hơn 100 ảnh tư liệu về các di tích thời Lý, bản dập văn bia, mâm đồng, bộ đỉnh và hạc thờ ở di tích đền Đô, nơi thờ 8 vị vua triều Lý; hoành phi câu đối, bia đá ở các di tích phản ánh về quê hương của nhà Lý .

Nội dung cụ thể của một số hiện vật tiêu biểu như sau:

  1. Đỉnh đồng, hạc thờ, mâm đồng ở Đền Đô:

1.1. Bộ đỉnh và hạc thờ: Được phục chế vào năm 2004 theo nguyên mẫu đỉnh và hạc đồng thờ ở đền Đô, phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn nơi thờ 8 vị vua triều Lý. Hiện vật gốc có niên đại thời Lê Trung Hưng (TK XVII – XVIII).

Đỉnh có chiều cao 62cm; Đường kính miệng 35,5cm, màu vàng xám. Đỉnh có 3 chân (kiểu chân tượng, thân đỉnh có 2 tai, đúc nổi 8 quả kinh dịch, nắp đúc nổi sư tử và 8 ô chữ “thọ”). Trên thân đỉnh và nắp có ghi chữ “Cổ Pháp điện”.

Hạc đứng trên lưng rùa, trang trí đẹp, tinh xảo. Màu vàng xám; Cao: 80 cm.

1.2. Mâm đồng:

Mâm hình tròn, lòng mâm trang trí hình ảnh tứ linh, chữ “thọ” và chữ “Cổ Pháp”; viền mâm trang trí hồi văn chữ triện và dây lá cách điệu. Màu vàng xám. Mâm có kích thước: Đường kính: 58,4cm; Trọng lượng: 2,3kg. Chiếc mâm này được các cụ và nhân dân Đình Bảng dùng để đặt đồ tế lễ mỗi khi tế tự ở đền thờ Lý Bát Đế. Vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp đền bị phá hủy, địa phương giao tặng Bảo tàng chiếc mâm này. Mâm có niên đại thời Nguyễn.

  1. Câu đối, ngai thờ, bài vị ở đình Dương Lôi:

Đình Dương Lôi là một trong những di tích tiêu biểu của Thị xã Từ Sơn nói riêng và của tỉnh Bắc Ninh nói chung. Đình thờ 8 vị vua nhà Lý. Hiện nay trong đình còn lưu giữ  được nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật quí trong đó có đôi câu đối được chế tác vào thời Lê, theo kiểu chữ bán thảo, chữ khắc nổi đẹp. Nội dung ca ngợi vùng đất Cổ Pháp – Đông Ngàn đẹp linh thiêng vùng đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra nhà Lý. Chính vì vậy, Bảo tàng Bắc Ninh đã phục chế  đôi câu đối này. Đôi câu đối được sơn son thếp vàng có độ dài: 1,78m; Rộng: 0,26m.

Nội dung câu đối như sau:

“Nam đế định thiên thư, Cổ Pháp linh chung sinh mộc tử

Đông Ngàn lai địa trạch, Dương Lôi tích phát kế hòa đeo”

Ngai thờ, bài vị được phục chế theo nguyên bản với tỷ lệ 1/1 tại đình Dương Lôi, phường Tân Hồng, TX Từ Sơn. Bản gốc được tạo tác vào thời Nguyễn do nhân dân địa phương làm được đặt ở vị trí tối linh nhất trong đình. Ngai có kích thước: Dài: 105cm; Rộng: 48cm, được sơn sơn thếp vàng.

  1. Một số nhân vật tiêu biểu thời Lý

Ngoài một số tài liệu, hiện vật, cổ vật tiêu biểu phản ánh về quê hương nhà Lý thì  trong kho cơ sở của Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu giữ tượng của một số nhân vật có tầm quan trọng đối với nhà Lý đó là: Tượng vua Lý Công Uẩn; tượng bà Phạm Thị, tượng Lý Khánh Văn.

Tượng vua Lý Công Uẩn: Phục chế nguyên mẫu ở chùa Kiến Sơ (Phù Đổng, Hà Nội) vào năm 2003. Đây là vị vua khai sáng nền văn minh Đại Việt. Bức tượng đã thể hiện được tính cách thư thái uy nghi, đĩnh đạc của một vị vua tài trí, thông minh (tượng rộng vai: 33cm; rộng gối: 37cm; Cao: 121,5cm).

Tượng bà Phạm Thị: Tượng được phục chế theo nguyên mẫu với tỷ lệ 1/1 ở chùa Xuân Đài (Kim Đài tự), phường Đình Bảng, TX Từ Sơn. Bà Phạm Thị là thân mẫu của vua Lý Công Uẩn. Pho tượng được tạc theo tư thế ngồi, một tay cầm quạt, một tay để ngửa trên gối, đầu đội vương miện. (tượng cao: 55cm; Rộng vai: 19cm).

Tượng Thiền sư Lý Khánh Văn: Tượng được phục chế theo nguyên mẫu với tỷ lệ 1/1 ở chùa Xuân Đài (Kim Đài tự), phường Đình Bảng, TX Từ Sơn vào tháng 10/2003. Thiền sư Lý Khánh Văn là người có công lớn và ảnh hưởng lớn tới tài đức của vua Lý Công Uẩn. Pho tượng có thân hình cân đối dáng vẻ từ bi ngồi thiền trên bệ gỗ, mắt nhìn xuống (tượng cao: 98cm; rộng vai: 39cm).

Trên đây là nội dung của một số hiện vật có giá trị lớn phản ánh về quê hương nhà Lý – một triều đại khai mở nền văn minh Đại Việt có ý nghĩa lớn trong lịch sử nước nhà. Đồng thời đây cũng là bộ sưu tập rất có giá trị mà Bảo tàng Bắc Ninh đã dầy công nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ.

Ngày đăng: 17-03-2020
Nguyễn Thị Hái (phòng Kiểm kê – bảo quản) - Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website