Hình ảnh sưu tập về hiện vật đồ gốm - sứ:
Đèn
Đèn hình đài sen có đường kính 10,5cm, cao 12cm, trọng lượng 740gr. Hiện vật được chế tác dưới thời Lý (TK XI – XII) thuộc loại hình đồ dùng sinh hoạt cao cấp được sử dụng trong các gia đình quan lại quý tộc xưa. Hiện vật được Bảo tàng Bắc Ninh mua lại của một nhà sưu tầm cổ vật nhằm phục vụ công tác trưng bày giới thiệu về di sản văn hóa thời Lý tại Bảo tàng.
Mảnh gạch
Số kiểm kê: BTBN 159 Kích thước: Dài 13cm, rộng 8,8cm, cao 8,4 cm. Trọng lượng 1400gr Nội dung: Mảnh gạch được nhân dân địa phương phát hiện tại khu vực chùa Dạm-xã Nam Sơn-huyện Quế Võ, là công trình tín ngưỡng tôn giáo được Nguyên Phi Ỷ Lan hưng công xây dựng. Tại đây cũng phát hiện nhiều di vật có từ thời Lý như: Gạch, chân tảng, đầu rồng, đuôi phượng, lá đề….Đây là những di vật còn lại của công trình kiến trúc xưa, minh chứng cho sự tồn tại của ngôi chùa này trong lịch sử.
Đuôi phượng
Số kiểm kê: BTBN 163 Kích thước: Dài 10cm, rộng 5,2cm, cao 12,8 cm. Trọng lượng 700gr Nội dung: Hiện vật phát hiện tại khu vực núi Dạm, đây là phần trang trí trên các công trình kiến trúc của chùa Dạm (niên đại thời Lý) thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ. Hiện nay công trình này đã không còn nhưng qua nhiều dấu tích để lại đã minh chứng cho sự tồn tại của ngôi chùa xưa.
Mảnh gốm
Số kiểm kê: BTBN 167 Kích thước: Dài 10cm, rộng 5 cm. Trọng lượng 100gr Nội dung: Mảnh gốm là mảng điêu khắc nghệ thuật bằng đất nung được trang trí kiến trúc phật giáo ở chùa Dạm vào thời Lý. Chùa Dạm là công trình tín ngưỡng phật giáo được Nguyên Phi Ỷ Lan-vợ của vua Lý Thánh Tông hưng công xây dựng năm 1065. Trải qua gần 1000 năm chùa đã bị đổ nát. Hiện nay, công trình kiến trúc đó không còn nhưng dưới lòng đất tại khu vực chùa còn phát hiện nhiều hiện vật mang dấu ấn của ngôi chùa xưa như: Chân tảng đá chạm hoa sen, đầu rồng đất nung, thiên nga đất nung và nhiều hiện vật khác. Mảnh gốm trang trí hình rồng giun nổi này và những hiện vật trên là những bộ phận được dùng để trang trí kiến trúc của chùa Dạm xưa- chứng minh cho nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này phát triển cực thịnh.
Vò
Mã số: BTBN 3373 Chất liệu: gốm Niên đại: thời Hán (I – III) Nội dung: chiếc vò này dược sản xuất vào thời Hán và là đồ tùy táng do ông Nguyễn Văn Dần ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du phát hiện tháng 9/2008 trong quá trình đào đất làm công trình phụ ở độ sâu 1m. Ông đã cất giữ cẩn thận đến tháng 6/2019 hiến tặng lại cho Bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu. Hiện vật tuy không có giá trị lớn về kinh tế nhưng có giá trị lớn về lịch sử văn hóa. Thông qua hiện vật chúng ta có thể hiểu biết hơn về lịch sử, văn hóa thời Hán.
Tháp
Mã số: BTBN 1931 Chất liệu: gốm Niên đại: thời Lý Nội dung: Chùa Phúc Nghiêm thôn Phúc Nghiêm, xã Phật, huyện Tiên Du được khởi dựng vào thời Lý. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử ngôi chùa đã bị phá hủy nhiều lần. Đến tháng 8/2009 trong lúc đào móng để xây dựng lại ngôi chùa chính quyền và nhân dân trong thôn đã phát hiện ra nhiều cổ vật quý trong đó có tháp đất nung thời Lý. Trên mỗi tháp đều chia làm nhiều tầng, mỗi tầng đều có hình tượng đức phật là biểu tượng của triều đại Lý. Hiện vật này có giá trị lớn về lịch sử, nó minh chứng cho quá trình tồn tại của ngôi chùa và phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử của thời Lý.
Lá đề
Mã số: BTBN 1926 Chất liệu: gốm Niên đại: thời Lý Nội dung: tháng 12/2009 Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành thăm dò khai quật khảo cổ học tại khu vực Tam bảo chùa Dạm xưa ở thôn Tự, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Tại hố khai quật H1 ở độ sâu 1,3m đã phát hiện ra chiếc lá đề này. Đây là những họa tiết trang trí kiến trúc thời Lý. Hiện vật này là cơ sở pháp lý giúp cho việc nghiên cứu tìm hiểu về Di sản văn hóa thời Lý ở Bắc Ninh.
Vò
Mã số: BTBN 166 Chất liệu: gốm (sành) Niên đại: thời Nguyễn Nội dung: Trong kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) du kích thôn Phù Lãng thường dùng chiếc vò này thả xuống sông làm thủy lôi giả nhằm gây hoang mang cho địch, ca nô, tàu chiến của địch nhiều lần phải dừng lại, lo sợ, tìm mọi cách chống chế rồi mới đi. Ngăn cản bước tiến của địch ta có thêm thời gian chuẩn bị chiến đấu. Năm 2001, nhân dân thôn Phù Lãng, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh hiến tặng lại Bảo tàng để lưu giữ. Hiện vật tuy không có giá trị kinh tế nhưng nó có giá trị về lịch sử giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về tinh thần chiến đấu, mưu trí, sáng tạo trong kháng chiến chống Pháp bảo vệ quê hương đất nước.
Lọ sành
Mã số: BTBN 165 Chất liệu: gốm (sành) Niên đại: khoảng năm 1946, 1954 Nội dung: ngày 20/2/1950 giặc Pháp vào làng Phù Lãng càn quét. Dân quân du kích kết hợp với bộ đội chủ lực kiên quyết đánh trả địch và đã dùng lọ này đựng đầy tro bếp, tung bụi cản địch, đánh địch. Kết quả trong trận này địch bị chết 23 tên và bị thương 29 tên, ta thu 1 súng tiểu liên. Về phía ta có 1 đồng chí du kích hy sinh và 1 đồng chí bị thương. Chiếc lọ sành này được gìn giữ và đến năm 2001 nhân dân thôn Phù Lãng tặng lại cho Bảo tàng lưu giữ. Hiện vật tuy không có giá trị về mặt kinh tế nhưng nó có giá trị về lịch sử. Thông qua hiện vật thế hệ sau hiểu hơn về tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của quân và dân Phù Lãng – Quế Võ – Bắc Ninh thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Đầu rồng
Số đăng kí: BTBN 198 Chất liệu: đất nung Niên đại: thời Lý Nội dung: Đầu rồng có mào, miệng ngậm ngọc, hai bên trang trí rồng giun đắp nổi, hiện vật được phát hiện trong khu vực thôn Phật Tích, xã Tiên Du, Bắc Ninh. Nơi đây nổi tiếng là một Đại danh lam với ngôi chùa có quy mô đồ sộ, hiện nay còn bảo lưu được nhiều di vật mang đậm nét đặc trưng của văn hóa thời Lý như chân tảng kê cột, tượng phật A di đà, tượng linh thú… đây là những hiện vật vô cùng quý giá còn lại đến ngày nay, qua đó chúng ta thấy được sự hưng thịnh của Phật giáo vào thời Lý.
Bình
Mã số: BTBN 128 Chất liệu: gốm, màu sắc: men xanh ngọc Niên đại: Lục triều Kích thước: đường kính miệng: 7cm; thân: 14,2 cm, đáy: 9 cm, cao 16,3cm; Trọng lượng: 750gr Nội dung: Hiện vật được phát hiện trong ngôi mộ cổ ở sườn núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du trong đợt khai quật khảo cổ học 1959. Ngôi mộ cổ xây bằng gạch bên trong có nhiều đồ tùy táng. Đây là loại hình đồ dùng sinh hoạt phổ biến của cư dân thời bấy giờ.
Mô hình nhà
Mã số: BTBN 832 Chất liệu: đất nung, màu sắc: xám Niên đại: thời Hán (thế kỷ I – III) Nội dung: Mô hình thể hiện có một ngôi nhà lớn hai tầng có một cửa ra vào duy nhất, mái lợp ngói âm dương, hai bên là ngôi nhà nhỏ, xung quanh có tường bao, có cổng ra vào. Hiện vật là đồ tùy táng được phát hiện trong ngôi mộ cổ thuộc khu vực núi Quả Cảm, xã Hòa Long, huyện Yên Phong. Hiện vật có ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng, qua đây ta có thể tạm hình dung về nhà ở của người Hán và một phần cộng đồng Việt giai đoạn đầu Bắc thuộc trên đất nước ta thời đó.
Bình kendi
Mã số: BTBN 540 Chất liệu: đất nung, màu nâu vàng nhạt Niên đại:thời Hán (thế kỷ I- III) Kích thước: Đường kính thân:19cm, cao: 19 cm, trọng lượng:1900gr Nội dung: Hiện vật được phát hiện tại khu vực thành Luy Lâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành được nhà nghiên cứu Nhật Bản Nishimura tặng lại Bảo tàng. Loại hình hiện vật này vốn phổ biến ở Ấn Độ, và một số nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam tại các di chỉ thuộc giai đoạn sớm của văn hóa Óc Eo và Champa có loại hình bình này. Hiện vật cho thấy quan hệ văn hóa nhiều chiều ở Luy Lâu (sự giao lưu văn hóa Việt Chàm, Việt Ấn). Góp phần làm rõ đặc điểm văn hóa Việt 10 thế kỷ sau công nguyên.
Đầu ngói ống
Tên gọi: Đầu ngói ống Mã số: BTBN 665 Chất liệu: đất nung, màu sắc: đỏ hồng, nâu xám Niên đại:thời Hán (thế kỷ I- III) Nội dung: Đầu ngói hình tròn, trang trí hình hoa sen, mặt hề, chữ Hán. Đường kính trung bình từ 14cm, dày từ 1,5 – 3cm Đây là những hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật khảo cổ học tại thành Luy Lâu năm 1986. Hiện vật cho thấy quan hệ văn hóa nhiều chiều ở Luy Lâu (sự giao lưu văn hóa Việt Chàm, Việt Ấn), sự ảnh hưởng của văn hóa Hán – Đường với văn hóa Việt. Góp phần làm rõ hơn đặc điểm văn hóa Việt 10 thế kỷ sau Công nguyên.
Mảnh khuôn đúc trống đồng
Mã số: BTBN 568 Chất liệu: đất nung, màu sắc: nâu xám Niên đại: thế kỷ thứ III trước công nguyên Nội dung: Mảnh khuôn có kích thước lớn nhất: dài 15cm, rộng 5cm, cao 5 cm. Hoa văn trên mảnh khuôn có hình vòng tròn tiếp tuyến, các đường gạch song song. Là mảnh khuôn đúc của trống đồng Heger I Đây là những mảnh khuôn đúc trống đồng lần đầu tiên của nước ta được phát hiện ở thành cổ Luy Lâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành do nhà nghiên cứu Nhật Bản Nishimura phát hiện 22/11/1998. Hiện vật có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, minh chứng choviệc thành Luy Lâu trong lịch sử là một trung tâm sản xuất và đúc trống đồng của dân tộc ta trong thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.Góp phần “nối dài” thêm tuổi của Văn hóa Đông Sơn – không phải nền văn hóa này kết thúc vào thế kỷ thứ 2 sau công nguyên mà còn kéo dài thêm vài trăm năm nữa – đồng thời cũng chứng minh sức sống của Văn hóa Đông Sơn trong bối cảnh đã có sự tác động của văn hóa Hán.
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác
SƯU TẬP HIỆN VẬT CỦA ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN LÊ XUÂN DỴ 26-07-2022
Hiện vật phục chế 21-04-2022
Hiện vật giấy 21-04-2022
Hiện vật đồ kim loại 21-04-2022
Hiện vật đồ gỗ 21-04-2022
Hiện vật đá 21-04-2022
Sưu tập hiện vật phản ánh về quê hương nhà Lý tại Bảo tàng Bắc Ninh 17-03-2020
Sưu tập hiện vật thời kỳ Văn hóa Đông Sơn trong kho cơ sở Bảo tàng Bắc Ninh 03-01-2019
SƯU TẬP HIỆN VẬT TẠI THÀNH CỔ LUY LÂU TRONG KHO CƠ SỞ BẢO TÀNG 28-09-2018