2. ANH HÙNG NGUYỄN ĐÌNH XÔ- CHUYÊN MỤC: ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH (TIẾP THEO)

Anh hùng Nguyễn Đình Xô sinh ngày 04 tháng 7 năm 1946 trong một gia đình nông dân nghèo tại thôn Hộ Vệ, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Ngày 13 tháng 9 năm 1965, anh xung phong vào bội đội và được điều động vào đơn vị C6 D5 E88 F308 (thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 88A, Sư đoàn 302, Quân khu 7).

Năm 1966, đồng chí vào Nam chiến đấu. Ngày 28/7/1966, đồng chí Xô bị địch bắt ở Kon Tum và sau đó bị đưa qua các trại giam Plei-ku, Biên Hòa, Cần Thơ và nhà tù Phú Quốc. Trong tù, đồng chí vẫn tiếp tục đấu tranh, tham gia nhiều cuộc chiến đấu đòi dân sinh, chống lao dịch. Đồng chí đã trực tiếp đứng lên tố cáo tội ác dã man đối với tù binh của nhà tù Mỹ Ngụy với Đoàn Hồng Thập Tự quốc tế khi Đoàn ra đảo thị sát, chính vì vậy đồng chí bị cai ngục tra tấn nhiều lần bằng những ngón đòn tàn độc. Có lần chúng tra tấn đồng chí vào chỗ hiểm dẫn đến việc di tinh và vô sinh.

Liệt sĩ- Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Xô 

Ngày 12 tháng 4 năm 1969, đồng chí Nguyễn Đình Xô cùng 12 tù binh được giám thị gọi ra khỏi trại. Dự cảm lần đi này sẽ khó có ngày trở về, nên đồng chí đã trao lại chiếc áo lành cho đồng đội để mặc chiếc áo rách hơn. Trước khi đi, Nguyễn Đình Xô còn nói với anh em rằng: các đồng chí cứ yên tâm giữ vững lý tưởng, tôi sẽ chiến đấu với chúng đến hơi thở cuối cùng. Trong 12 đồng chí bị tra tấn vào ngày 12/4/1969, đến nay chỉ còn lại 3 nhân chứng là đồng chí Nguyễn Văn Thuận (Gia Lai), Trương Văn Tiến (Thái Bình) và đồng chí Côi (Sần) ở Gia Bình (Bắc Ninh). Đối với họ, những hành động anh hùng của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô trong cuộc đấu tranh sống còn hôm ấy sẽ không bao giờ phai mờ: khi 12 người bị bắt đem đi tra tấn, chúng dồn tất cả vào phòng điều hành, xiềng lại rồi đấm đá liên hồi. Biết đồng chí Xô là người gan dạ, chúng gọi riêng ra để dụ dỗ mua chuộc, nhưng không được. Tức giận, chúng bèn tra tấn đồng chí bằng tất cả những hình thức dã man nhất như đổ nước xà phòng vào miệng bắt uống no rồi dẫm đạp lên bụng, dùng điện giật, dùng đinh đóng vào 10 đầu ngón tay… Nguyễn Đình Xô ngất đi tỉnh lại nhiều lần nhưng vẫn kiên quyết không khai một lời. Bọn chúng tiếp tục dùng đinh loại 8 phân đóng vào mắt cá chân, đầu gối đồng chí, máu chảy ra lênh láng. Vẫn không khuất phục được, cuối cùng chúng dùng bao tải trùm kín người đồng chí rồi dùng gáo múc nước sôi dội từ chân lên đầu, vừa dội chúng vừa hỏi cung. Mặc dù vậy, đồng chí vẫn vang lên lời đanh thép lên án bọn tay sai cai ngục cho đến khi nước sôi làm thân thể đồng chí bất động.

Đồng chí Nguyễn Đình Xô đã hy sinh anh dũng, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng khi vừa tròn 23 tuổi. Noi theo tấm gương chiến sĩ Nguyễn Đình Xô, cả trại, cả đảo tù ngày đêm sôi sục đấu tranh quyết liệt với kẻ thù đòi dân sinh, dân chủ, chống đánh đập và giết hại tù nhân cho đến ngày toàn thắng. Ngày 15 tháng 4 năm 1969, tức 4 ngày sau khi đồng chí hy sinh, Đảng ủy nhà tù quyết định đặc cách kết nạp Đảng cho Nguyễn Đình Xô.

Với tinh thần hy sinh vì cách mạng, dũng cảm, bất khuất, kiên cường trước kẻ thù của đồng chí Nguyễn Đình Xô, năm 2018 đồng chí đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Ngày 24 tháng 7 năm 2018, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ long trọng tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho liệt sĩ Nguyễn Đình Xô. Đây là dịp để toàn dân tôn vinh tinh thần hy sinh dũng cảm, bất khuất kiên cường trước kẻ thù của liệt sĩ Nguyễn Đình Xô, qua đó khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và toàn dân trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

(Còn tiếp)

Ngày đăng: 19-07-2018
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website