3. ANH HÙNG TẠ LƯU – CHUYÊN MỤC: ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH (TIẾP THEO)

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá - Thầy thuốc ưu tú - Bác sỹ Tạ Lưu sinh năm 1931, quê ở xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, một vùng đất giàu lòng yêu nước và truyền thống văn hóa lịch sử. Năm 1947, khi mới 16 tuổi, ông được cử đi học lớp y tá để phục vụ quân đội, sau đó tham gia vào chiến dịch Trung Lào. Năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, ông được cử về Khoa phẫu thuật, Viện Quân y 108. Với kiến thức tích lũy được trong những năm tháng cứu chữa thương bệnh binh ở chiến trường, ông là một trong những y tá ngoại giỏi của phòng mổ Viện 108. Năm 1962, ông được tuyển chọn về học lớp bác sĩ tại Học viện Quân y để phục vụ cho yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn ác liệt. Với ý thức càng tinh thông nghề nghiệp, thì càng giúp được nhiều cho thương bệnh binh nên ông luôn tích cực học hỏi, nghiên cứu để nâng cao tay nghề.

uối năm 1965, sau khi tốt nghiệp Học viên Quân y, trở thành bác sĩ, đồng chí Tạ Lưu được bổ nhiệm làm đội phó Đội điều trị 14 (Tổng cục Hậu cần) phục vụ tuyến đường khói lửa Trường Sơn. Bốn năm ở chiến trường, bác sĩ Tạ Lưu phụ trách Đội phẫu thuật trụ ở các trọng điểm địch đánh phá rất ác liệt trên đường chiến lược 15 (Đá Đẽo, Gát, Chóc, phà Xuân Sơn); đường chiến lược 12 (Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời); Lùm Bùm, Na Tông  Siêng Phan trên đất bạn Lào. Dù ở bất cứ đâu, Bác sĩ Tạ Lưu luôn nêu cao tinh thần phục vụ thương bệnh binh, bất kể ngày đêm, lúc nào có thương binh là cứu chữa, có yêu cầu cấp cứu thương binh là xung phong. Trong nhiều tháng, ngày nào cũng có ca cần mổ, có đợt 5, 6 ngày liền mỗi ngày ông đứng mổ hơn 10 tiếng đồng hồ. Nhiều đêm không được ngủ, ông vẫn tận tình cứu chữa thương binh, quyết dành lại cuộc sống cho đồng đội. Bác sĩ Tạ Lưu đã giải quyết nhiều ca mổ phức tạp, trong đó có nhiều vết thương hiểm nghèo do bom đạn giặc Mỹ gây ra. Ở chiến trường trang bị thiếu thốn, ông đã nghiên cứu vận dụng sáng tạo kỹ thuật gây mê nội khí quản, truyền tĩnh mạch ngược chiều, truyền máu trực tiếp khi không có dung dịch chống đông… Ông còn học được kinh nghiệm gia truyền chữa rắn cắn, phổ biến cho toàn binh trạm và nhân dân ở khu vực đóng quân. Nhờ đó, nhiều người bị rắn độc cắn đều được chữa khỏi. Đội điều trị 14 của ông còn sản xuất thuốc Nam bằng các dược liệu địa phương, từ đó đã góp phần chữa trị được nhiều loại bệnh cho các chiến sĩ và nhân dân trong vùng. Đồng chí Tạ Lưu đã góp nhiều thành tích trong việc xây dựng Đội điều trị 14 trở thành đội tiên tiến của Đoàn 500 và là niềm tự hào, niềm tin tưởng của toàn đơn vị phẫu thuật; là một chiến sĩ dũng cảm, một đồng chí trung kiên, một bác sĩ có tay nghề giỏi, một cán bộ khiêm tốn, trách nhiệm và gương mẫu trong công việc. Khi được tin có bộ đội bị thương, dù ở rừng rậm, suối sâu và cả những nơi khó khăn, nguy hiểm, Tạ Lưu vẫn đi tìm bằng được để cứu chữa. Trong một lần công tác ở Khe Hổ (Hố Gai), Tạ Lưu đã cùng anh em trong đội phẫu thuật gan dạ, mưu trí dũng cảm luồn rừng, vượt suối lần theo vết máu vào tận khe đá đuổi hổ để tìm và kịp thời cứu chữa thương binh. Ông cũng rất quan tâm đến việc bồi dưỡng chuyên môn cho các y sĩ trong đơn vị làm thành thạo các phẫu thuật cơ bản ở các tuyến. Các y tá, dược tá làm được nhiều việc ở các chuyên môn khác nhau: nội, ngoại, sản, các chuyên khoa cận lâm sàng, làm cơ sở cho Đội điều trị 14 xây dựng được 9 đội phẫu thuật chia ra phục vụ ở các trọng điểm. Ông luôn gương mẫu ở mọi nơi, hết lòng cứu chữa thương bệnh binh, không quản ngại bất cứ việc gì. Có lần Trung đoàn 280 pháo cao xạ bảo vệ bến phà Xuân Sơn yêu cầu Đội điều trị 14 cử đội phẫu thuật vào mổ cấp cứu cho một đồng chí bị vết thương thấu bụng đã viêm nhiễm. Bác sĩ Tạ Lưu và 7 cán bộ đội phẫu thuật đã xung phong lên đường, không sợ hy sinh, nguy hiểm để cứu thương binh. Quãng đường đi 90km rất nguy hiểm vì mật độ máy bay trinh sát và nhiều loại máy bay Mỹ săn lùng suốt ngày đêm. Khi đến nơi, không nghỉ ngơi, Bác sĩ Tạ Lưu cùng  cộng sự thực hiện ngay cuộc đại phẫu. Sau khi thăm khám, ông quyết định vừa hồi sức tích cực, vừa tiến hành mổ cấp cứu và đã thành công.

Với những cống không ngừng nghỉ, cứu được nhiều thương bệnh binh trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, tháng 6 năm1969, Thượng úy quân y, Bác sĩ Tạ Lưu 39 tuổi, được lệnh ra Bắc nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ông đã góp phần lập nhiều thành tích để tập thể Đội điều trị 14 trở thành Đơn vị Anh hùng năm 1973.

AHLLVTND – Đại tá – Thầy thuốc ưu tú – Bác sỹ Tạ Lưu

Sau 4 năm phục vụ chiến đấu, năm 1970, Bác sĩ Tạ Lưu được trở lại miền Bắc để học thêm các phẫu thuật cao cấp ở Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức dưới sự dạy dỗ trực tiếp của Giáo sư Tôn Thất Tùng, sau đó ông được điều về phục vụ tại Khoa Ngoại chung Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình 109 (Quân khu II) rồi đi học bổ túc sau đại học 3 năm tại Học viện Quân y Ki-rốp (Liên Xô cũ). Khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Ngoại chung rồi  Viện phó, Viện trưởng Viện Quân y 110 (Quân khu I).

Năm 1993, đồng chí Tạ Lưu nghỉ  hưu sau 47 năm phục vụ trong quân đội. Hiện nay ông đang sống an bình tại phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Mặc dù đã sang tuổi tuổi 87, nhưng ông vẫn tiếp tục đóng góp sức mình làm đẹp cho xã hội với những việc làm có ích, giàu lòng nhân hậu và tính nhân văn. Ông đã viết hàng chục đầu sách, bài báo, làm nhiều bài thơ với ý nghĩa ca ngợi những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp, tình đồng chí, đồng đội, tình bạn, tình thầy trò, tình gia đình. Nhiều cuốn sách, nhiều bài báo của ông được các giải thưởng từ Trung ương tới địa phương. Đặc biệt Anh hùng Tạ Lưu đã tặng lại Bảo tàng Bắc Ninh nhiều kỷ vật quý giá đã gắn bó với ông trong những năm khói lửa ở chiến trường, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Anh hùng, Thầy thuốc ưu tú, Đại  tá, Bác sĩ  Tạ Lưu xứng danh Anh hùng, là tấm gương, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Bắc Ninh nói riêng, cả nước ta nói chung.

(Còn tiếp)

Ngày đăng: 19-07-2018
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website