ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ VỚI PHONG TRÀO “VÔ SẢN HÓA”
Trong lịch sử cách mạng Việt Nam vào những năm 1928-1929, phong trào yêu nước có sự chuyển biến mẽ bởi sự tác động của phong trào “Vô sản hóa” do Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc kỳ phát động. Đông đảo hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập (6/1925) đã “hòa mình” vào cuộc sống khổ cực của giải cấp công nhân để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và rèn luyện bản lĩnh của người cộng sản. Đồng chí Ngô Gia Tự, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh là một trong những người đã đề xuất, trực tiếp phụ trách và trở thành “linh hồn” của phong trào “Vô sản hóa”.
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 trong một gia đình nhà nho nghèo thuộc xóm Xanh, xã Tam Sơn, tổng Từ Sơn (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), một vùng quê giàu truyền thống yêu nước cách mạng, mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Ngay từ nhỏ, đồng chí Ngô Gia Tự đã sớm có tinh thần yêu nước và bộc lộ tư chất thông minh, học giỏi. Năm 1922, sau khi tốt nghiệp loại ưu bậc tiểu học trường Kiêm Bị (Bắc Ninh), đồng chí vào học tại trường Bưởi (Hà Nội). Tại đây, đồng chí đã tham gia vào các phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược như đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, đòi truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Được tiếp cận với những sách báo tiến bộ, tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê Nin qua những bài viết và tài liệu do Nguyễn Ái Quốc truyền về, Ngô Gia Tự đã thực sự tìm thấy ánh sáng trên con đường hoạt động cách mạng. Cũng trong thời gian học tập ở Hà Nội, Ngô Gia Tự được chứng kiến bộ mặt thật của xã hội thuộc địa. Những cảnh sát Tây hống hách, miệt thị ức hiếp đồng bào ta. Người dân ngày đêm lam lũ, khổ cực. Còn ở quê hương, Ngô Gia Tự thấy cảnh dân làng đầu tắt mặt tối mà quanh năm vẫn đói rách. Mối đồng cảm với thân phận cơ cực của người dân khiến Ngô Gia Tự căm thù, có ý thức phản kháng với bọn thực dân cướp nước đã góp phần hình thành nên tư tưởng và hành động theo tinh thần vô sản.
Cuối năm 1926, tại số nhà 47 phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Từ đây, đồng chí cùng với những thanh niên yêu nước tích cực hoạt động tuyên truyền giác ngộ, gây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, Ngô Gia Tự chỉ thực sự nắm chắc những tư tưởng cơ bản của lý luận cách mạng vô sản để hiểu sâu sắc vai trò của lịch sử giai cấp vô sản và chính đảng của nó khi được Hội Việt Nam cách mạng thanh niên cử đi dự lớp huấn luyện do đồng chí Nguyễn Ái Quốc tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi hoàn thành lớp huấn luyện, đồng chí trở về nước hoạt động tuyên truyền cách mạng, phát triển tổ chức của hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang.
Tại Đại hội lần thứ nhất Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ (tháng 9/1928) họp tại số nhà 72 phố Huế (Hà Nội). Dự hội nghị có các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Trần Tư Chính…Hội nghị làm việc một ngày thì bị lộ nên phải chuyển về họp tại nhà Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, Tam Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Tại cuộc họp này, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Ngô Gia Tự đã phát biểu: cơ sở thanh niên đã rộng khắp toàn xứ nhưng số hội viên là công nhân – những hạt nhân tiên tiến lại chưa có nhiều. Vậy thì phải chuyển gấp. Phải cho các hội viên đi về xí nghiệp, hầm mỏ, bến cảng, đồn điền, nơi tập trung công nhân và là các yết hầu kinh tế để đẩy mạnh phong trào đấu tranh của công nhân, để rèn luyện mình thành người vô sản, theo đúng lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Người cách mạng phải hòa mình với quần chúng công nông, để tự cải tạo mình thành người vô sản thì mới hiểu được chủ nghĩa cộng sản và mới có thể tuyên truyền được chủ nghĩa cộng sản, giáo dục đường lối Đảng, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh”. Lý lẽ của Ngô gia Tự đã nhanh chóng thuyết phục được mọi người. Hội nghị đã quyết định thông qua chủ trương “Vô sản hóa”, đưa hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, xí nghiệp cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân để tuyên truyền giác ngộ, tổ chức đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Thực hiện chủ trương này, Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã phân công đồng chí Ngô Gia Tự và Nguyễn Đức Cảnh đặc trách theo dõi và vận động công nhân toàn kỳ.
CÂY ĐÈN TỌA ĐĂNG
(Sử dụng trong cuộc họp kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ khi đề ra chủ trương “Vô sản hóa”
tại nhà đồng chí Ngô Gia Tự)
Sau hội nghị, đông đảo hội viên Thanh niên Bắc Kỳ tỏa đi “Vô sản hóa” khắp các cơ sở công nghiệp trong toàn xứ. Nguyễn Đức Cảnh xuống vùng mỏ, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu…ở Hà Nội gấp rút huấn luyện hội viên. Ở đâu, đồng chí Ngô Gia Tự cũng cổ vũ anh em, muốn giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc thì phải lăn mình vào quần chúng vô sản, phải vô sản hóa. Chương trình huấn luyện lúc này giàu tính lý luận Mác-Lê Nin. Ngô Gia Tự cùng các đồng chí biên soạn tóm tắt, dịch thuật những cuốn sách nhỏ có tính giáo khoa “Chủ nghĩa Mác”, “Phê bình chủ nghĩa vô chính phủ”, “Phê bình chủ nghĩa công đoàn”, “Vấn đề tổ chức cách mạng” v.v…để tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, giáo dục đường lối Đảng, tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Ngô Gia Tự cũng liên tục thu lượm các nguồn thông tin hồi âm từ khắp các cơ sở có anh em “Vô sản hóa”; chọn lọc, suy nghĩ và tổng kết điều chỉnh việc lãnh đạo chung của Kỳ Bộ kịp với bước đi của phong trào. Lúc này, Ngô Gia Tự cũng thường xuyên đến Thư viện Quốc Gia để đọc báo chí, tìm hiểu về thể lệ lao động và đời sống của công nhân, tìm hiểu kinh nghiệm vận động và tổ chức đấu tranh cho công nhân chuẩn bị cho những bước tiến mới của phong trào “Vô sản hóa” .
MẢNH CỐI ĐÁ
(Đồng chí Ngô Gia Tự sử dụng tán thuốc nổ chế vũ khí những năm 1926-1929)
Với cương vị là Bí thư Tỉnh hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Ninh-Bắc Giang, Ngô Gia Tự đã thuyết phục hàng chục hội viên thanh niên Bắc Ninh đang sống với gia đình, tự nguyện rời quê hương đi vào các nhà máy, hầm mỏ làm công nhân để rèn luyện, tuyên truyền vận động công nhân đấu tranh: Vương Văn Trà, Ngô Gia Trinh đi “Vô sản hóa” ở nhà máy gạch Hưng Ký, Yên Viên, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Xuân Hồng, Ngô Đình Cương đi “Vô sản hóa”ở nhà máy giấy Đáp Cầu; Trương Văn Nhã đi “Vô sản hóa” ở hãng sản xuất xe đạp Mec Xê (Hà Nội). Bản thân Ngô Gia tự đi “Vô sản hóa” ở nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội). Đồng chí đã cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với anh em công nhân, thấy rõ và hiểu được cuộc sống lầm than, nô lệ của công nhân, những phẩm chất tốt đẹp của công nhân, khả năng cách mạng của giai cấp công nhân. Là người nhạy bén với hoạt động cách mạng, Ngô Gia Tự vừa tổ chức triển khai, vừa kịp thời tổng kết phong trào “Vô sản hóa” góp phần điều chỉnh sự lãnh đạo của Kỳ bộ Bắc kỳ theo sát bước tiến phong trào.
KHUNG XE ĐẠP
(Đồng chí Ngô Gia Tự và chi bộ Tam Sơn sử dụng trong thời kỳ hoạt động cách mạng 1926-1929)
Sau ngày thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (17-6-1929) , đồng chí được Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào Nam Kỳ vận động các tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Nam Kỳ chuyển thành các Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Tiếp tục thực hiện chủ trương đi “Vô sản hóa”, đồng chí Ngô Gia Tự làm công nhân khuân vác ở bến cảng Sài Gòn. Đồng chí đã đầm mưa giãi nắng đẩy xe than, xi măng, bốc vác hàng hóa vất vả ở các bến tàu. Qua đó đồng chí đã tuyên truyền giáo dục cách mạng, tổ chức lãnh đạo công nhân đấu tranh. Phong trào vô sản hóa đã lan rộng và phát triển mạnh mẽ khắp các địa phương trong cả nước, nhất là các thành phố lớn, các khu công nghiệp và vùng mỏ. Cuối năm 1928 đầu năm 1929 đã có hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra, tiêu biểu như ngày 28-5-1929, đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh của hơn 200 công nhân xưởng Avia – hãng sửa chữa ô-tô lớn nhất Ðông Dương lúc đó. Cuộc bãi công đã trở thành ngọn lửa làm bùng cháy phong trào công nhân ở Hải Phòng, Nam Ðịnh, công nhân mỏ than ở Hòn Gai, công nhân Vinh, Bến Thủy; của nông dân các tỉnh chung quanh Hà Nội như Phúc Yên, Bắc Ninh, Nam Ðịnh, Thái Bình… Ðây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của phong trào công nhân nước ta trong quá trình tiến tới thành lập Ðảng cộng sản.
Trở thành người lãnh đạo xuất sắc của phong trào “Vô sản hóa” và chính thực tiễn nóng bỏng của cuộc đấu tranh cách mạng, Ngô Gia Tự đã để lại cho chúng ta những bài học sâu sắc trong việc gắn bó với quần chúng lao động, đứng trên lập trường giai cấp công nhân, rèn luyện mình trong mọi điều kiện gian khổ, khó khắn để trở thành những chiến sỹ cộng sản tiên phong, chân chính của Đảng, của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta sẽ mãi ghi tâm công lao to lớn của đồng chí với cách mạng và dân tộc Việt Nam.
Hoàng Mai
(Phòng Trưng bày- Thuyết minh)
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ- SỨC MẠNH VIỆT NAM- TẦM VÓC THỜI ĐẠI” 03-05-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “DI SẢN THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT TỈNH BẮC NINH” 17-11-2023
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH” 28-04-2023
TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÊ QUANG ĐẠO (8/8/1921 – 8/8/2021) 05-08-2021