5. ANH HÙNG LÊ XUÂN DỴ – CHUYÊN MỤC: ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH (TIẾP THEO)
Đại tá phi công Lê Xuân Dỵ, sinh năm 1938, tại xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn (nay là thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Nơi ở hiện nay: thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông nhập ngũ tháng 3 năm 1959 và được phân về Sư đoàn Bộ binh 312. Năm 1961, ông được cử sang Liên Xô (cũ) đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu (ông thuộc thế hệ phi công thứ hai sau Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan). Năm 1964, về nước nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, ông tiếp tục sang Trung Quốc cùng với chuyên gia nước bạn đào tạo cấp tốc phi công cho Việt Nam.
Đại tá, phi công Anh hùng LLVTND Lê Xuân Dỵ
Năm 1966, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, Lê Xuân Dỵ được lệnh về nước. Sau thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 4/12/1966, ông đã cùng biên đội bay thuộc Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371 đánh địch trên không bảo vệ vùng trời Hà Nội. Từ đó đến chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ông đã tham gia nhiều trận chiến đấu trên không phận Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Yên Bái… tới giáp Vĩ tuyến 17, rồi truy kích địch ra Biển Đông. Có những ngày Ông cùng đồng đội xuất kích 2-3 lần, ngoài nhiệm vụ tiêm kích, yểm trợ và nghi binh cho đồng đội đánh địch, Ông đã bắn rơi 1 chiếc F-4H của Không lực Mỹ trên bầu trời Hải Phòng. Chiến công đặc biệt xuất sắc của Ông là cùng Biên đội ném bom vào Hạm đội 7 của Mỹ trên Biển Đông. Đó là trận đánh ngày 19/4/1972, hai chiếc MIG-17 do Lê Xuân Dỵ và Nguyễn Văn Bảy điều khiển đã lạng lách, tránh đạn của đối phương và táo bạo lao thẳng vào tàu địch cắt bom tiêu diệt. Bị đánh bất ngờ, Máy bay Mỹ trên Hạm đội 7 không kịp ứng phó. Phi công Lê Xuân Dỵ và phi công Nguyễn Văn Bảy đã trở về mặt đất an toàn.
Trận đánh của Lê Xuân Dỵ cùng Biên đội đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khen là: “Chiến công hi hữu và xuất sắc, đã đánh trúng mục tiêu mà Mỹ từng mệnh danh là bất khả xâm phạm”. Sau trận đánh một ngày, Hãng thông tấn AP đã đưa tin: “Tàu Hich-Bi thuộc Hạm đội 7 của Mỹ đã bị MIG-17 của Bắc Việt dội bom, boong sau tàu bốc cháy rừng rực, các thùng đạn bị nổ tung, các khẩu pháo lớn nòng vỡ toác như loa kèn… Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ đã phải ra điều trần tại Quốc hội về thất bại này”.
Sau trận đánh, phi công Lê Xuân Dỵ được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất. Ông tiếp tục công tác trong Quân đội qua các cương vị: Phó Sư đoàn trưởng, rồi Cục trưởng Cục Thanh tra Không quân thuộc Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng. Năm 1998, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá.
Nghỉ hưu về địa phương, ông đã mang theo những kỷ vật gắn bó với một thời chiến đấu oanh liệt của mình đó là bộ trang phục phi công được cấp phát để dùng khi bay, bao gồm: bộ quần áo bay, mũ phi công, vòi dưỡng khí và súng pháo hiệu. Bộ trang phục đã được ông hiến tặng cho Bảo tàng Bắc Ninh vào ngày 8/4/2014 để lưu giữ và bảo quản lâu dài phục vụ công tác trưng bày về không quân nhân dân Việt Nam.
Bộ trang phục phi công mang số đăng ký BTBN 2511 tại Bảo tàng Bắc Ninh
Bộ quần áo bay (bộ quần áo kháng áp) là bộ áo liền quần, có khóa kéo từ bụng lên tới cổ. Bên ngực phải có phần dính để gắn biển ghi tên phi công và ngực trái hình ảnh quốc kỳ Việt Nam. Bên tay trái áo có Logo của Không quân nhân dân Việt Nam. Phần eo có thắt lưng bằng vải, hai đầu có may miếng dính để phù hợp với kích cỡ người mặc. Bộ quần áo có nhiều túi để đựng các trang bị cần thiết khác của phi công như súng pháo hiệu, dao găm, kéo…
Mũ phi công và vòi dưỡng khí được trang bị cho phi công bên trong có các thiết bị tai nghe, micro, đường ống dẫn khí oxy có tác dụng chống ồn, cung cấp oxy cho phi công khi bay cao trên 10km và dùng để liên lạc với đơn vị. Đặc biệt là nó sẽ đảm bảo an toàn cho phi công trong các trường hợp nhảy dù.
Súng pháo hiệu được trang bị để dùng khi nhảy dù vào những tình huống nguy hiểm sẽ bắn tín hiệu báo cho các đơn vị cứu trợ đến ứng cứu.
Ngoài bộ trang phục phi công gắn bó với ông Lê Xuân Dỵ trong suốt 27 năm chiến đấu và công tác đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh còn có những đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của gia đình ông vào thời kỳ bao cấp như: phích đựng nước, đèn tọa đăng và liễn đựng thức ăn.
Ngày 10/8/2015, Chủ tịch nước đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi ông đã bước sang tuổi 78. Đây là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh Bắc Ninh và là ngọn lửa truyền thống tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phan Thị An Ngọc – Phòng TBTM
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ- SỨC MẠNH VIỆT NAM- TẦM VÓC THỜI ĐẠI” 03-05-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “DI SẢN THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT TỈNH BẮC NINH” 17-11-2023
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH” 28-04-2023
TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÊ QUANG ĐẠO (8/8/1921 – 8/8/2021) 05-08-2021