NGÔ GIA TỰ NGƯỜI THAM GIA SÁNG LẬP ĐÔNG DƯƠNG CỘNG SẢN ĐẢNG, NHÀ LÃNH ĐẠO XUÂT SẮC CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, tổng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nay là thôn Tam Sơn, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sinh ra trong bối cảnh đất nước lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp; thấm nhuần truyền thống yêu nước cách mạng của gia đình, dòng họ và quê hương, nên ngay từ nhỏ Ngô Gia Tự đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành một chiến sĩ Cộng sản kiên cường, lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân và nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc của Đảng, của cách mạng nước ta. Công lao to lớn của đồng chí Ngô Gia Tự với Đảng, với cách mạng là việc tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (tiền thân Đảng Cộng sản Việt Nam), đề ra chủ trương “Vô sản hóa” và trở thành lãnh tụ xuất sắc của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân (giai cấp vô sản).

       Năm 1926, khi đang theo học năm thứ tư tại trường Bưởi (Hà Nội), vì tham gia vào các phong trào yêu nước cách mạng của học sinh sinh viên nên đồng chí Ngô Gia Tự đã bị thực dân Pháp buộc thôi học. Rời trường Bưởi, đồng chí trở về quê hương Tam Sơn mở lớp dạy học và tiếp tục tuyên truyền cách mạng. Tại cổng ngôi nhà mình, đồng chí cho đắp dòng chữ “Cửa như chợ” và đôi câu đối “Cổng độc lập tha hồ khép mở /Nhà tự do mặc sức ra vào” để nói lên khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc của mình.

Giữa năm 1926, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại số nhà 47 Trần Nhân Tông, Hà Nội và được tổ chức phân công gây dựng cơ sở cách mạng ở quê hương Bắc Ninh. Sau một thời gian ngắn, đồng chí đã thành lập được Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên tại làng Tam Sơn. Đầu năm 1927, sau khi được dự lớp huấn luyện cách mạng do Tổng bộ Hội VNCMTN tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí tiếp tục trở về Bắc Ninh để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 7 năm 1927, đồng chí thành lập được Chi hội VNCMTN ở khu phố Tiền An, Vệ An, Ninh Xá (TPBN hiện nay). Cuối năm 1927, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 6 Chi Hội VNCMTN. Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh – Bắc Giang thành lập, Ngô Gia Tự được bầu làm ủy viên Tỉnh bộ, đến giữa năm 1928, được cử làm Bí thư Tỉnh bộ . Với sự hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, đến cuối năm 1928, đầu năm 1929 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh – Bắc Giang đã thành lập được 14 Chi Hội VNCMTN với gần 100 hội viên. Chính trong thời gian này, Ngô Gia Tự đã tích cực hướng dẫn dìu dắt đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê, Từ Sơn vào con đường hoạt động cách mạng để sau đó trở thành Tổng Bí thư của Đảng những năm 1938 – 1940.

       Nhận thức sâu sắc được vai trò và trách nhiệm của các hội viên Hội VNCNTN trong cách mạng giải phóng giai cấp giải phóng dân tộc. Ngày 29/9/1928 tại nhà riêng của đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, xã Tam Sơn, Kỳ bộ Hội VNCMTN Bắc Kỳ đã họp và quyết định đưa ra chủ trương “vô sản hóa”, đưa hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền của tư bản để tự rèn luyện lập trường giai cấp và tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Tại hội nghị đồng chí Ngô Gia Tự được bầu vào Ban Chấp hành và được giao phụ trách phong trào vô sản hóa. Không để phí thời gian, đồng chí ngay lập tức lăn mình vào đời sống vất vả của anh em công nhân, thợ thuyền để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng và trở thành “linh hồn” của phong trào vô sản hóa. Với cương vị là Bí thư Tỉnh Hội VNCMTN Bắc Ninh – Bắc Giang, đồng chí Ngô Gia Tự đã giác ngộ hàng chục hội viên trực tiếp vào các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ làm công nhân để rèn luyện, tuyên truyền vận động, tổ chức công nhân đấu tranh và đi theo con đường cách mạng vô sản. Những năm 1928-1929 với sự hoạt động tích cực của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào vô sản hóa đã phát triển mạnh mẽ trong cả nước, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh của công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh)…góp phần đưa cách mạng Việt Nam bước lên một tầm cao mới. Sự hoạt động mạnh mẽ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Bắc Kỳ đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một tổ chức mới, thể hiện rõ lập trường cách mạng, có cương lĩnh rõ ràng và phương pháp hoạt động đúng đắn. Ngô Gia Tự là một trong những hội viên tiên tiến của Hội VNCMTN đã nhận thức rõ cần phải thành lập một chính đảng vô sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Với tư tưởng đó, cuối tháng 3 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự cùng với các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính họp tại nhà số 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) quyết định thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước. Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng về tư tưởng, quan điểm giai cấp, lập trường chính trị trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự là từ một trí thức yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản chuyên chính vô sản của giai cấp công nhân, của phong trào cách mạng Việt Nam.

        Đầu tháng 5 năm 1929, tại Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên họp tại Hương Cảng (Trung Quốc), đồng chí Ngô Gia Tự đại diện cho đoàn đại biểu của Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ nêu vấn đề thành lập Đảng Cộng sản ra thảo luận trước Đại hội. Đồng chí nêu rõ rằng, Đảng Cộng sản khác các tổ chức khác ở chỗ tôn chỉ rõ ràng, thành phần được chọn lọc kỹ, phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân. Đồng chí cũng phân tích những diễn biến mới trong phong trào đấu tranh của công nông ở Đông Dương để khẳng định rằng giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành về cả ý thức và tổ chức, đang đòi hỏi có sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng để đưa phong trào tiếp tục phát triển. Đồng chí nhấn mạnh: “Nếu không thành lập một Đảng cộng sản, dù công khai hay bí mật, thì không thể tập hợp được quần chúng đấu tranh dưới ngọn cờ của giai cấp vô sản được”. Ý kiến thành lập Đảng của đoàn đại biểu Bắc Kỳ đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt trong Đại hội. Tuy vậy, vấn đề thành lập Đảng cộng sản vẫn không được Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tán thành. Ngô Gia Tự cùng đoàn đại biểu bắc Kỳ thoát ly Đại hội để khẳng định thái độ kiên quyết bảo vệ những quan điểm của mình.

Sau khi về nước, đồng chí Ngô Gia Tự tiếp tục lãnh đạo phong trào vô sản hóa. Ngày 28 tháng 5 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh bãi công của hơn 200 công nhân Xưởng sửa chữa ô tô Avia (Hà Nội). Cuộc bãi công kéo dài đến ngày 10-6 thì giới chủ phải nhượng bộ, chấp nhận những yêu cầu của công nhân: Bỏ lệ phạt vô lý, tăng lương, giảm giờ làm… Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn và có ý thức giai cấp rõ rệt nhất của phong trào công nhân trong quá trình tiến tới thành lập Đảng Cộng sản, gây tiếng vang lớn trong cả nước. Ngày 1 tháng 6 năm 1929, Ngô Gia Tự cùng với các đồng chí của mình trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ra một bản tuyên ngôn, nói rõ lý do đoàn đại biểu Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ ra về và nhấn mạnh “phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho giai cấp vô sản làm cách mạng được”. Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại nhà số 312, phố Khâm Thiên (Hà Nội) gồm 20 đảng viên đầu tiên. Đồng chí Ngô Gia Tự là Ủy viên Ban chấp hành lâm thời (gồm 7 người). Ngay sau đó, đồng chí đã về Bắc Ninh lập ra Chi bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng đầu tiên của tỉnh gồm 3 đảng viên là: Hồ Ngọc Lân, Phạm Văn Chất và Nguyễn Hữu Căn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí, ngày 04-8-1929, tại núi Lim, huyện Tiên Du ngày nay, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh – Bắc Giang ra đời, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng hai tỉnh

Cuối tháng 7 năm 1929, đồng chí Ngô Gia Tự được cử vào Nam Kỳ để thành lập các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngay khi vào tới Sài Gòn, đồng chí đã có mặt ở nhiều nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, hầm mỏ như: Bến cảng Sài Gòn, nhà máy đóng tàu Ba Son, đồn điền cao su Phú Riềng, hãng rượu Bình Tây… để tuyên truyền và giác ngộ cách mạng, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của Đông Dương Cộng sản Đảng. Với sự hoạt động tích cực của đồng chí, chỉ sau một thời gian ngắn (từ tháng 9/1929 đến đầu năm 1930) tại Nam Kỳ đã thành lập được nhiều chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng như: Nhà máy Ba Son và Pha Ci, nhà máy đèn chợ Rẫy… Sau đó, đồng chí còn mở rộng hoạt động sang các vùng lân cận và đã thành lập được chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở xã Vĩnh Kim tỉnh Mỹ Tho ( nay là tỉnh Tiền Giang). Đặc biệt vào tháng 10/1929, đồng chí Ngô Gia Tự đã thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở đồn điền cao su Phú Riềng và đã lãnh đạo 5000 công nhân ở đây đấu tranh giành thắng lợi gây tiếng vang lớn trong cả nước.

Từ giữa năm 1929 đến đầu năm 1930 phong trào cách mạng ở nước ta phát triển mạnh mẽ dẫn đến sự ra đời của 3 tổ chức Đảng là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản đã cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc về Hương Cảng để hợp nhất 3 tổ chức cộng sản. Ngày 3/2/1930 dưới sự chủ trì trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã nhất trí hợp nhất 3 tổ chức Đảng ( Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn) thành một chính Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, chứng tỏ giai cấp vô sản đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng. Sau hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930, tại Nam Kỳ đã bầu ra Ban Chấp hành lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Trên cương vị là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ đồng chí đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam kỳ phát triển mạnh mẽ.

        Giữa lúc phong trào cách mạng ở nước ta đang trên đà phát triển thì vào ngày 31/5/1930 đồng chí Ngô Gia Tự đã bị thực dân Pháp bắt tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè. Thực dân Pháp đã giam đồng chí ở Khám Lớn-Sài Gòn, tại đây chúng đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn hết sức dã man nhưng không khuất phục được ý chí kiên cường của đồng chí Ngô Gia Tự. Sau đó chúng đưa đồng chí về xét xử tại tòa án Bắc Ninh nhằm khủng bố tinh thần cách mạng của quần chúng. Nhưng tại đây đồng chí Ngô Gia Tự đã biến phiên tòa thành diễn đàn lên án tội ác của bọn thực dân Pháp. Mặc dù không có chứng cứ nhưng thực dân Pháp vẫn kết án đồng chí tù khổ sai chung thân và giam tại nhà tù Hỏa Lò – Hà Nội. Cuối năm 1931 chúng tiếp tục đưa đồng chí Ngô Gia Tự vào xét xử tại Khám Lớn-Sài Gòn. Sau hơn 2 năm giam giữ, tháng 5/1933 thực dân Pháp đã bí mật đưa đồng chí Ngô Gia Tự cùng 200 chiến sĩ cộng sản lưu đày tại nhà tù Côn Đảo, nơi địa ngục trần gian. Thực dân Pháp với âm mưu dùng chế độ khắc nghiệt của nhà tù để tiêu diệt ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên trung nhưng chúng đã thất bại bởi ngay dưới ngục tù đế quốc, đồng chí Ngô Gia Tự và các đồng chí tù chính trị của chúng ta đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản không ngừng trau dồi chủ nghĩa Mác -Lê nin và thắp sáng niềm tin vào tiền đồ thắng lợi của Đảng.

       Đầu năm 1935, Chi bộ Đảng nhà tù tổ chức cho đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác vượt biển trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng cho Đảng. Nhưng vì sóng to gió lớn, các đồng chí của chúng ta đã hy sinh giữa biển khơi. Đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh ở tuổi 27, tuổi thanh xuân rực rỡ nhất, đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí  mãi là tấm gương sáng ngời về lý tưởng, tài năng,  đạo đức, phẩm chất yêu nước cách mạng cho mỗi chúng ta học tập, noi theo.

 

Ngày đăng: 04-10-2018
Nguyễn Thị Trọng (Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website