Những cống hiến của Lênin với cách mạng Việt Nam
Lênin là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, nhà lý luận chính trị thiên tài của thế giới những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với hàng nghìn tác phẩm lý luận đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá về lập trường quan điểm, về nguyên tắc tính Đảng, về tầm tư duy chiến lược và đạo đức trong sáng cộng sản chủ nghĩa. Nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Lênin vĩ đại (22/4/1870 - 22/4/2020), xin được điểm lại những cống hiến to lớn của ông đối với cách mạng Việt Nam.
1. Tiểu sử của Lênin
Vơlađimia Ilich Lênin tên thật là Vơlađimia Ilich Ulianôp sinh ngày 22/4/1870 tại Simbirsk, Nga (nay là Ulianovsk). Cha là Ilya Nikolaevich Ulyanov sinh năm 1831 mất năm 1886, một quan chức dân sự Nga, mẹ là Maria Alexandrovna Ulyanova sinh năm 1835 mất năm 1916, một người theo chủ nghĩa tự do.
Lênin nổi tiếng học giỏi tiếng Latin và tiếng Hy Lạp. Năm 1887, ông tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học, được nhận Huy chương vàng nên được vào thẳng bất kỳ trường Đại học Tổng hợp Kazan. Tại đây, Lênin tham gia nhóm cách mạng trong sinh viên, trở thành thành viên của Hội đồng hương bí mật Samarsko-Simbirskoe. Do tham gia tuyên truyền cách mạng trong sinh viên, ông bị đuổi học và bị phát lưu đến làng Kokushino Kazan. Tháng 10/1888, trở về Kazan, Lênin gia nhập nhóm Mácxít, tự học tập tại nhà 2 năm và thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật trường ĐH Tổng hợp Kazan với tư cách thí sinh tự do. Sau khi tốt nghiệp đại học, Lênin làm trợ lý luật sư ở Samara rồi chuyển về Peterburg và trở thành người lãnh đạo của nhóm Mácxít ở Nga.
Mùa thu 1895, Lênin tập hợp các nhóm cách mạng thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân ở Petécbua, Mátxcơva, Kiep, Iarôxlap…và bị cảnh sát bắt cầm tù 14 tháng sau đó đi đày 3 năm ở làng Shushenkoe (miền Đông Sibir).
V.I.Lênin (1870 -1924)
Thời hạn lưu đày kết thúc, Lênin ra nước ngoài cùng với Pơlêkhanôp lập ra tờ báo Tia lửa. Năm 1903, tại Luân đôn tiến hành Đại hội lần thứ II Đảng công nhân xã hội dân chủ Nga, Lênin phát biểu phải xây dựng một đảng Mácxít kiểu mới có kỷ luật nghiêm minh, là người tổ chức cách mạng của quần chúng.
Tháng 4 năm 1905, tại Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp tại Luân đôn, Lênin được bầu là Chủ tịch Đại hội và là người đứng đầu Uỷ ban Trung ương. Từ năm 1905 – 1914, Lênin tổ chức lãnh đạo cách mạng Nga, tiếp tục đấu tranh bảo vệ, củng cố đảng và phát triển tư tưởng độc quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuối tháng 7/1914, ông bị cảnh sát Áo bắt nhưng lại được trả lại tự do và đi Thuỵ Sĩ. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I, Lênin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng.
Sau cách mạng tháng Hai năm 1917, ở Nga tồn tại tình trạng hai chính quyền song song, một bên là chính phủ lâm thời tư sản (chuyên chế của giai cấp tư sản) và một bên là Xô Viết các đại biểu công nhân và binh sĩ (chuyên chính vô sản). Những mâu thuẫn kinh tế và chính trị sâu sắc ở nước Nga lúc bấy giờ đòi hỏi phải tiến hành một cuộc cách mạng làm thay đổi tận gốc đời sống chính trị nước Nga. Ngày 16/4, Lênin trình bày một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết”, đường lối này đã được Hội nghị lần thứ VII toàn Nga của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga nhất trí thông qua.
Tháng 7/1917, ở Nga xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị, Lênin đã về vùng Pazzliv, nay là Pêtecbua để tránh sự truy lùng của Chính phủ lâm thời nhưng vẫn thường xuyên chỉ đạo phong trào cách mạng nước Nga. Đầu tháng 8/1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp bán công khai ở Petrograd, Lênin tuy không tham dự nhưng vẫn lãnh đạo Đại hội tiến hành và thông qua đường lối phải khởi nghĩa vũ trang giành lấy chính quyền. Tháng Mười năm 1917, Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd đề ra kế hoạch khởi nghĩa vũ trang và được Hội nghị Uỷ ban trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. Tối ngày 6/11/1917, Lênin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời.
Sau cách mạng tháng Mười Nga, Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II diễn ra, Lênin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các Uỷ viên nhân dân (Hội đồng Dân uỷ). Ngày 11/3/1918, Lênin cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ Xô Viết trở về Mátxcơva tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động chống lại sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước; lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga và thi hành chính sách đối ngoại Xô Viết, đề ra những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau.
Ngày 30/8/1918, Lênin bị ám sát và bị thương, ít lâu sau sức khỏe hồi phục và tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga thông qua Cương lĩnh mới của Đảng và được bầu là chủ tịch Uỷ ban soạn thảo Cương lĩnh Mùa xuân năm 1920. Ông là người có công lớn trong việc thành lập Quốc tế thứ ba, quốc tế cách mạng chân chính của giai cấp vô sản. Thời gian này, Lênin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội, sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO) và đề ra chính sách kinh tế mới (NEP). Năm 1921, chính sách NEP của Lênin được Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga thông qua.
Năm 1922, Lênin ốm nặng. Trong diễn văn cuối cùng đọc tại hội nghị toàn thể Xô Viết đại biểu thành phố Mátxcơva ngày 20/11/1922, Lênin tin tưởng rằng thi hành chính sách NEP nước Nga sẽ trở thành một nước xã hội chủ nghĩa. Ngày 21/4/1924, Lênin qua đời ở làng Gorki, gần thủ đô Mátxcơva. Thi hài được lưu giữ trong lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Mátxcơva cho tới nay.
2. Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng những lý luận chính trị của Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam
Năm 1920, khi đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng đến phát khóc lên: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Khi viết Đường cách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, triệt để mau mắn thắng lợi nhất” là chủ nghĩa Lênin. Từ đó Người tin theo Lênin, suốt đời phấn đấu hy sinh theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Người đã tiếp nhận những bài học lý luận sâu sắc của Lênin và Cách mạng Tháng Mười Nga, kết hợp với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú của mình đề đề ra con đường giải phóng của cách mạng Việt Nam đó là: con đường cách mạng vô sản. Những luận điểm cách mạng của Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác – Lênin. Và chiến lược giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hiện thực hóa trong đường lối của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 là một minh chứng hùng hồn, thể hiện tính đúng đắn, hiệu quả của chiến lược đó.
Năm 1986, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ Đại hội VI đến nay đã luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng nước ta… Ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân… Trong đổi mới, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đó của Lênin, của chủ nghĩa Mác – Lênin để làm cho đổi mới thực sự có sinh khí, có động lực từ lòng dân, từ sức sáng tạo của nhân dân. Ý Đảng gắn với lòng dân trở thành phép nước – Đó là sức mạnh vô tận của đổi mới hơn 30 năm qua ở nước ta do Đảng lãnh đạo.
Lênin đã từng nêu rõ yêu cầu quan trọng của đổi mới kinh tế phải gắn liền và đồng bộ với đổi mới chính trị, phải nêu cao trách nhiệm “thảo luận thì chung, trách nhiệm thì riêng, riêng tới từng người một”. Lênin cũng từng xác định: mấu chốt của công việc là tổ chức bộ máy và con người, cho nên phải “chọn đúng người, giao đúng việc và kiểm tra thường xuyên”, phải nhổ sạch đám cỏ dại quan liêu trên mảnh đất của chủ nghĩa xã hội, phải đẩy lùi những kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội: bệnh kiêu ngạo cộng sản, tệ quan liêu và nạn hối lộ. Trong cải cách thể chế, bộ máy, theo Lênin, phải quán triệt tinh thần “thà ít mà tốt”, “chính trị cần đến bộ máy”, nhưng “bộ máy phải phục vụ chính trị” chứ “chính trị không chạy theo bộ máy, không phục vụ bộ máy”. Những chỉ dẫn đó vào lúc này là vô cùng cần thiết đối với chúng ta, có ý nghĩa sâu xa trong đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở nước ta.
Với những cống hiến to lớn Lênin đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa Lênin đối với những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam hành động, còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa cộng sản…”.
Phòng TB-TM
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ- SỨC MẠNH VIỆT NAM- TẦM VÓC THỜI ĐẠI” 03-05-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “DI SẢN THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT TỈNH BẮC NINH” 17-11-2023
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH” 28-04-2023
TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÊ QUANG ĐẠO (8/8/1921 – 8/8/2021) 05-08-2021