Đồng chí Hoàng Quốc Việt với công tác đối ngoại của Đảng
Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt là một trong những lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. Đồng chí đã có cống hiến rất lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và góp nhiều công sức xây dựng tình hữu nghị Việt Nam với bạn bè các nước trên thế giới. Nhìn lại quá trình gần 70 năm hoạt động Cách mạng, chúng ta thấy được đồng chí Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt không chỉ có đóng góp lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người mà đồng chí còn có nhiều đóng góp trong công tác đối ngoại của Đảng.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc, giàu truyền thống yêu nước Cách mạng, lại trực tiếp chứng kiến đời sống cực khổ, lầm than của đồng bào dưới ách thống trị của thực dân Pháp, người thanh niên Hạ Bá Cang đã nhận thức được nỗi cay đắng, tủi nhục của người dân mất nước và sớm giác ngộ Cách mạng. Ngay khi còn là học sinh trường Kỹ Nghệ thực hành (Hải Phòng), đồng chí đã tham gia bãi khóa, biểu tình phản đối thực dân kết án nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Bị nhà trường thực dân đuổi học, Hạ Bá Cang đã hòa mình vào cuộc sống thợ thuyền. Khi thì là thợ cơ khí ở xưởng Carông (Hải phòng); khi thì làm thợ ở mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), ở Mạo Khê (Quảng Ninh). Chính tại những nơi này, đồng chí đã tiếp xúc với tư tưởng Cách mạng của Nguyễn Ái Quốc qua lớp chiến sĩ Cách mạng đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện… Năm 1928, đồng chí đã được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ đây, Hạ Bá Cang đã thực sự trở thành người chiến sỹ cộng sản chiến đấu cho lý tưởng của giai cấp công nhân. Đồng chí đã không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh để nhận và hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng mà tổ chức giao phó trong đó có công tác đối ngoại của Đảng.
Năm 1929, Hạ Bá Cang được tổ chức cử sang Pháp để liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp xin tài liệu và đề nghị bạn giúp đỡ Đảng ta có thêm điều kiện hoạt động. Đồng chí đã móc nối với người bạn thân Lưu Bá Kỳ đang làm việc dưới tàu Săng ti y và được giới thiệu xuống tàu làm thợ nguội. Những ngày tháng sống và lao động trên tàu Săng ti y, Hạ Bá Cang đã nhanh chóng làm quen với các thợ máy người Pháp, nói chuyện với họ về lịch sử chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ, về cảnh nghèo khổ một cổ hai ba tròng của nông dân, về những người thợ mỏ, cu li đồn điền bị áp bức, đày đọa đến xương tủy. Những câu chuyện của Hạ Bá Cang dần dần làm cho những người thợ Pháp hiểu rõ và đồng cảm với nỗi thống khổ của người dân Việt Nam, tán thành, ủng hộ các cuộc đấu tranh đòi quyền sống, quyền dân sinh, dân chủ của những người thợ và dân cày Việt Nam. Vì vậy, anh em thợ máy tàu Pháp đã nhiệt tình giúp đỡ Hạ Bá Cang vận chuyển tài liệu bí mật của Đảng Cộng Sản Pháp từ Mác xây (Pháp) về đến Việt Nam một cách an toàn giao cho các đồng chí lãnh đạo Đảng nghiên cứu. Chuyến đi Sang Pháp đầy gian khổ của đồng chí Hoàng Quốc Việt trót lọt không chỉ mở đầu thành công cho công tác đối ngoại của Đảng ta, đặt đường dây liên lạc bí mật giữa Đảng ta với Đảng Cộng sản Pháp mà còn giúp đồng chí mở rộng tầm nhìn thấm thía thế nào là tình cảm quốc tế vô sản.
Cách mạng càng phát triển, vào cuối năm 1944 đầu năm 1945, đồng chí Hạ Bá Cang được thường vụ Trung Ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh cử làm trưởng đoàn tiến hành chuyến công tác ngoại giao sang Quảng Tây (Trung Quốc) đàm phán về việc hợp tác chống Phát xít Nhật, theo lời mời của chính quyền Tưởng Giới Thạch ở Hoa Nam (Trung Quốc). Trong cuộc hội đàm, những lời hứa giúp đỡ của nhà đương cục Hoa Nam chỉ là những lời nói suông nhưng hoạt động của đồng chí Hạ Bá Cang và các đồng chí của ta đã góp phần tuyên truyền cho sức mạnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân và Cách mạng Việt Nam. Từ đây, đồng chí chính thức mang tên Hoàng Quốc Việt. Tại Quảng Tây, Hoàng Quốc Việt đã tìm gặp Bác Hồ đang bị quân Tưởng quản thúc ở Quảng Tây. Ông đã cùng với các đồng chí trong đoàn tổ chức đón Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi
Sau đại hội thống nhất Việt Minh Liên Việt củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương giao cho Hoàng Quốc Việt làm trưởng đoàn đại biểu ngoại giao nhân dân của ta sang thăm Trung quốc và Triều Tiên để thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân ba nước Việt – Trung – Triều. Ngày 3/7/1951, Hoàng Quốc Việt cùng đoàn rời chiến khu lên đường. Sau hơn 5 tháng hành trình trên đoạn đường 2 vạn kilomet bằng nhiều phương tiện ô tô, tàu hỏa, cano thăm nhiều nơi ở Trung Quốc, Triều Tiên để làm công tác ngoại giao nhân dân, ngày 13/12/1951 phái đoàn về nước. Chuyến đi ngoại giao của đoàn do Hoàng quốc Việt dẫn đầu giúp nhân dân Trung Quốc, Triều Tiên hiểu biết rõ hơn về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và góp phần xây dựng tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân ba nước Việt – Trung – Triều. Cũng trong năm 1951, hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương có sự tham gia của Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng và Hoàng Quốc Việt được cử tham dự đã củng cố vững chắc thêm khối đoàn kết của ba nước anh em Việt – Miên – Lào trong cuộc kháng chiến cho đến ngày toàn thắng. Hội nghị đã họp và quyết định xây dựng khối liên minh của nhân dân ba nước trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau để cùng kề vai sát cánh làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được bầu vào Ủy ban Liên minh nhân dân Việt -Miên – Lào.
Thực hiên chủ trương đối ngoại rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phương châm “thêm bạn bớt thù”, phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết và tránh đối đầu “không gây thù oán với một ai.”. Vì vậy khi trên cương vị là chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam 28 năm liền (từ năm 1950-1978), đồng chí là người góp phần tích cực nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tình đoàn kết quốc tế trong sáng giữa lao động các nước trên thế giới, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của giai cấp công nhân và công đoàn quốc tế với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Tháng 10 năm 1957, đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đoàn đại biểu Công đoàn Việt Nam tham dự Đại hội lần thứ IV Liên hiệp Công đoàn thế giới họp tại Cộng hòa dân chủ Đức. Tại Đại hội, bằng sự sáng tạo, linh hoạt, đoàn Việt Nam mà đứng đầu là đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của trên 80 Công đoàn các nước tham dự để thông qua Nghị quyết đòi chính phủ Mỹ phải tôn trọng triệt để Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, đòi quốc tế Mỹ không được tàn sát nhân dân lao động miền Nam.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn thế giới đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện chủ trương của Đảng đẩy mạnh và tăng cường cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Theo lời mời của Trung ương Đảng cộng sản và Tổng Liên đoàn lao động Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Công đoàn Việt Nam sang thăm Pháp. Chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã góp phần làm tăng thêm sự ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cứu nước sôi sục khắp nước Pháp. Trong chuyến công tác này, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố, phát triển tình đoàn kết giữa lao động và nhân dân hai nước Việt-Pháp. Tháng 4 năm 1968, công đoàn Việt Nam đứng đầu là đồng chí Hoàng Quốc Việt đã phối hợp với Liên hiệp Công đoàn thế giới tổ chức hội nghị bất thường tại Matxcơva. Hội nghị đã ra lời kêu gọi lao động toàn thế giới biến ngày mồng 1 tháng 5 năm 1968 thành ngày đoàn kết với lao động Việt Nam và nhân dân Việt Nam, dưới khẩu hiệu “Mỹ cút khỏi Việt Nam”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng vào thành công của hội nghị đặc biệt này. Bằng sự nỗ lực của mình, hoạt động quốc tế của Công đoàn Việt Nam đứng đầu là đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, tuyên truyền cho công nhân lao động các nước hiểu, giúp đỡ và ủng hộ to lớn phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, nâng cao vị thế Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong thời gian làm chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đặt nền móng cho quan hệ Việt Trung. Từ đó đã tranh thủ được sự ủng hộ của Đảng, chính phủ nhân dân Trung Hoa cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ thành công. Sau này, với cương vị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí tiếp tục có những đóng góp cho tình cảm hữu nghị Việt Nam với bạn bè các nước trên thế giới.
Điểm lại đôi nét về những hoạt động, cống hiến của đồng chí Hoàng Quốc Việt trên mặt trận đối ngoại để thấy sự sáng tạo, nhạy bén và trí tuệ của đồng chí trong nhìn nhận, đánh giá những vấn đề quốc tế phức tạp, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; những cống hiến của đồng chí đã góp phần quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi. Đồng chí Hoàng Quốc Việt mãi là tấm gương sáng, sống mãi trong sự nghiệp Cách mạng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Hoàng Mai (Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ- SỨC MẠNH VIỆT NAM- TẦM VÓC THỜI ĐẠI” 03-05-2024
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “DI SẢN THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT TỈNH BẮC NINH” 17-11-2023
KHAI MẠC TRƯNG BÀY “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI ĐẢNG BỘ, CHÍNH QUYỀN VÀ NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH” 28-04-2023
TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH QUỐC HỘI LÊ QUANG ĐẠO (8/8/1921 – 8/8/2021) 05-08-2021