Những hiện vật nhớ về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên

Tham quan và tận mắt quan sát những hình ảnh, tài liệu, hiện vật đang được giới thiệu trong trưng bày “75 năm Quốc hội Việt Nam - Dấu ấn niềm tin và hy vọng” tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, mỗi người dân vùng quê Quan họ nói riêng, cả nước nói chung đều không khỏi tự hào xen lẫn xúc động nhớ về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ký ức ấy càng trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta đang chuẩn bị cho Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Những hiện vật theo năm tháng đã cũ sờn nhưng không khí phấn khởi, mừng vui và ý nghĩa lớn lao của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ấy vẫn như còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người. Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thực sự trở thành ngày hội lớn. Ngày mà người dân lần đầu được cầm tấm Thẻ cử tri đi bầu cử – quyền của người dân của một đất nước độc lập. Vì vậy, Bảo tàng Bắc Ninh đã rất chú trọng sưu tầm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật gốc có giá trị về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước tiêu biểu là tấm Thẻ cử tri bầu Quốc hội khóa I. Trải qua thời gian cùng với bao thăng trầm của lịch sử, tấm Thẻ cử tri tuy nhỏ bé nhưng lại là một hiện vật vô giá có ý nghĩa rất lớn về một thời khắc lịch sử thiêng liêng của dân tộc. Lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được quyền trực tiếp lựa chọn những người có đức, có tài vào Quốc hội để gánh vác công việc nước nhà. Theo đó, nội dung tấm Thẻ cử tri ghi rõ:  Thẻ đi bầu đại biểu Quốc dân đại hội (Quốc hội) khoá I nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của ông Hoàng Vi Phụ, người Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). Trên thẻ ghi “Tổng tuyển cử ngày 23 tháng 12 năm 1945 để bầu đại biểu Quốc dân Đại hội”.

Tấm thẻ cử tri năm 1945 của Ông Hoàng Vi Phụ

Hòa trong không khí phấn khởi của nhân dân cả nước. Tại Bắc Ninh, cử tri trong toàn tỉnh đã nô nức đi bỏ phiếu, bầu ra 10 đại biểu Quốc hội khóa I, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (7 đại biểu được cử tri trực tiếp bầu cử , 3 đại biểu được đặc cách). Trong đó có bà Vũ Thị Khôi, Bí thư Ban Cán sự Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I khi mới 25 tuổi và bà cũng là một trong mười nữ đại biểu của Quốc hội khóa I. Kết quả Tổng tuyển cử ở Bắc Ninh đã góp phần vào kết quả chung của cuộc Tổng tuyển cử trên phạm vi cả nước – sự kiện trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới, đặt những “viên gạch” đầu tiên cho lịch sử hình thành và phát triển Quốc hội.

Danh sách ứng cử Quốc dân Đại hội đại biểu (Quốc hội khóa 1) tỉnh Bắc Ninh bao gồm 52 đại biểu do Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Bắc Ninh Bạch Di (tức Vi Dân)ký ngày 10 tháng 12 năm 1945.

Bà Vũ Thị Khôi đại biểu Quốc hội khóa I năm 1946.

Các cơ quan thông tin đại chúng của cách mạng đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh công khai đập tan sự xuyên tạc của kẻ thù, hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng và thông tin kịp thời về Tổng tuyển cử trong cả nước. Trưng bày cũng giới thiệu tới công chúng những tờ báo cách mạng được in ấn và phát hành trong năm 1945 -1946 có nhiều bài viết phản ánh về công tác trước, trong và kết quả của cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946 như  Báo Độc Lập, Sự Thật, Cứu Quốc…


 

Một số tờ báo đưa tin về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Những hiện vật được trưng bày đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, về chặng đường lịch sử 75 năm với 14 kỳ bầu cử của Quốc hội Việt Nam, qua đó càng thêm tự hào và nhận thức sâu sắc về giá trị, ý nghĩa to lớn của các kỳ bầu cử, nhất là trước thềm cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND sắp tới.

Ngày đăng: 14-05-2021
Hoàng Mai (Phòng Trưng Bày –Thuyết Minh, Bảo tàng Bắc Ninh)
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website