CHUYÊN MỤC: ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, tỉnh Bắc Ninh đã có 23 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lương vũ trang nhân dân. Đây là danh hiệu cao nhất của Nhà nước phong tặng hoặc truy tặng cho các cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có đạo đức, phẩm chất cách mạng.

 Nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày thương binh, liệt sĩ, Bảo tàng Bắc Ninh xin trân trọng giới thiệu tới công chúng chân dung các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh Bắc Ninh. Các bài viết, chúng tôi có sử dụng một số tư liệu, hình ảnh đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu có điều gì sơ xuất, rất mong được bạn đọc góp ý và cảm thông.

Xin trân trọng giới thiệu.

  1. ANH HÙNG HOÀNG ĐĂNG MIỆN – BÔNG SEN THÉP CỦA SƯ ĐOÀN 312.

Anh hùng Hoàng Đăng Miện sinh năm 1953 tại Thôn Đông Bình, thị trấn Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1971, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ của nước ta đang bước vào giai đoạn ác liệt, anh đã gác bút nghiên, xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc khi vừa tròn 18 tuổi.

Liệt sĩ- Anh hùng LLVTND Hoàng Đăng Miện (1953- 1972)

Vào quân ngũ, anh được điều động vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, khi ấy đang chiến đấu tại mặt trận Lào. Với bản tính thông minh, ham học hỏi, chỉ trong một thời gian ngắn, Hoàng Đăng Miện đã sử dụng thành thạo các loại súng, khiến đồng đội vô cùng thán phục. Một thời gian sau, anh được điều sang Đại đội 9 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312) và trở thành xạ thủ súng phóng lựu B40, B41. Trong một trận đánh tại cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng mang mật danh “Z139”, Hoàng Đăng Miện với khẩu B.40 (sau là B.41) đã tiêu diệt nhiều hỏa điểm và sinh lực địch, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kỹ năng sử dụng vũ khí hoàn hảo, cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bình tĩnh trong mọi tình huống, mỗi lần anh bóp cò, hầu như các mục tiêu đều bị tiêu diệt. Kết thúc chiến dịch “Z”, anh được bầu là Chiến sĩ Thi đua của Mặt trận, đồng đội khâm phục tặng cho anh biệt danh là “Bông sen thép”.

Tháng 4/1972, Sư đoàn 312 tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, một trong ba chiến dịch lớn trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Khi ấy, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt, trong thế giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Các đơn vị bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã kiên cường giữ vững trận địa dưới hỏa lực bom đạn cực kỳ ác liệt của kẻ thù. Trong trận này, Hoàng Đăng Miện đã sử dụng súng B41 bắn 30 quả đạn, phá hủy 20 mục tiêu, diệt 70 tên địch. Ngày 9/9/1972, trong cuộc tiến công Đồi Cháy, một điểm cao nằm ở phía Đông Nam Như Lệ (Hải Lệ, Hải Lăng, Quảng Trị), Hoàng Đăng Miện bị thương, nhưng anh vẫn kiên cường chiến đấu đến cùng và anh dũng hy sinh khi anh vừa lên thay chỉ huy đại đội. Khi hy sinh, đôi tay anh vẫn giữ chặt khẩu B41, như vẫn sẵn sàng nhả đạn về phía quân thù. Trong trận chiến ấy, quân ta đã làm chủ Đồi Cháy nhưng Hoàng Đăng Miện đã mãi mãi nằm lại nơi này khi mới 19 tuổi.

Với những thành tích to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Hoàng Đăng Miện đã được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, 02 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, 02 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba, danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng, danh hiệu Chiến sĩ thi đua.

Ngày 23/9/1973, Hoàng Đăng Miện được Chính phủ truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng. Anh sẽ mãi mãi là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, dũng cảm, kiên trung để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

(Còn tiếp)

Ngày đăng: 05-07-2018
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website