KỶ NIỆM 68 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (10/9/1955-10/9/2023)

Lịch sử hình thành và những đóng góp quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

        Cách đây 68 năm, từ ngày 5/9 đến 10/9/1955 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất toàn quốc họp quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nói chuyện trong buổi lễ bế mạc thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cương lĩnh này là một cương lĩnh đại đoàn kết, mục đích của nó là đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước… Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kế tục sự nghiệp của Mặt trận Liên Việt, ngày 5/9/1955, tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

         Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

        Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tiền thân là Hội Phản đế đồng minh được thành lập vào ngày 18/11/1930. Trong từng giai đoạn lịch sử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có tên gọi khác nhau và luôn giữ một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.

         Trong giai đoạn đấu tranh đòi dân chủ 1936-1939 lần lượt các mặt trận ra đời, đó là Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế. Bước sang giai đoạn đấu tranh chuẩn bị giành chính quyền là sự thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập Đồng Minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) (19/5/1941).

       Trong giai đoạn chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, ngày 29/5/1946 Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) thành lập. Thực hiện lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt đã ra sức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngày 3/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh - Liên Việt lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) thông qua Tuyên ngôn, Chính Cương của mặt trận. Mục đích phấn đấu của mặt trận Liên Việt là: “Tiêu diệt thực dân pháp xâm lược, đánh bại bọn can thiệp Mĩ…”. Qua 9 năm kháng chiến, Mặt trận Liên Việt trở thành “Một trong những trụ cột của Nhà nước dân chủ nhân dân, là sức mạnh vô biên của cuộc kháng chiến, kiến quốc…”.

        Sau năm 1954, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá hoại Hiệp định Giơnevơ chiếm đóng miền Nam, chia cắt lâu dài nước ta. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955 Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 5/ 9/1955 (Nguồn: BTLS Quốc gia)

Nhân dân miền Bắc nghe đọc cương lĩnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 5/9/1955 (Nguồn: BTLS Quốc gia)

        Tiếp đó, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, nội dung cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh “Phải hoà bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hoà bình! Thống nhất tổ quốc!” nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.

        Ngày 20/4/1968 trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời, nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị, mở rộng thêm lực lượng trên mặt trận chống Mỹ và các thế lực tay sai.

Chủ tịch danh dự của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đồng chí Tôn Đức Thắng phát biểu tại Đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 - 4/2/1977, hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam. (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)

        Sau khi Việt Nam thống nhất, các lãnh đạo của 3 tổ chức chính trị ngoại vi hợp pháp đang tồn tại ở Việt Nam gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã họp từ 31 tháng 1 đến 4 tháng 2 năm 1977 tại thành phố Hồ Chí Minh, thống nhất ba tổ chức này thành một tổ chức chính trị duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX năm 2019. (Nguồn: Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng)

        Trải qua 68 năm (1955-2023) xây dựng và phát triển, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn luôn làm tròn được vai trò của mình, trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể đã động viên, khích lệ và dẫn dắt nhân dân ta đấu tranh trong công cuộc giành độc lập cho dân tộc. Trong bối cảnh hiện tại, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn là chỗ dựa vững chắc để đất nước tiến lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hòa nhập với xu thế phát triển của thế giới.

                                                                  

 

Ngày đăng: 09-09-2023
Bích Huệ (Tổng hợp)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website