NGÀY PHÁP LUẬT VIỆT NAM 9/11: NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA
Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội, góp phần thực hiện tuyên truyền khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.
Ngày Pháp luật Việt Nam là ngày 09 tháng 11 hàng năm, được quy định theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Việc Quốc hội lựa chọn ngày 9/11 là ngày pháp luật vì vào ngày này cách đây 77 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị-pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước.
Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành. Đây là Hiến pháp đầu tiên của nước ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và trình Quốc hội, thể hiện ý chí và quyền lực của nhân dân, đảm bảo quyền tự do, dân chủ và phúc lợi cho công dân, và khẳng định chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tư tưởng lập hiến, giá trị dân chủ, nhân quyền và mô hình về tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bản Hiến pháp sau này và toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam như Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013.
Các Hiến pháp này đều là những văn bản pháp lý cơ bản nhất của nước ta, quy định về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, quan hệ đối ngoại, và quyền và nghĩa vụ của công dân, nhà nước và các tổ chức xã hội; phản ánh tình hình lịch sử, thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân, và đóng vai trò là nền tảng để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta.
Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân nói chung và cán bộ, công chức, viên chức nói riêng trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023, Bảo tàng Bắc Ninh đã treo pano tuyên truyền tại cơ quan để các cán bộ, viên chức, người lao động và nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Phòng Nghiệp vụ (tổng hợp)
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
công khai bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách quý 2/2024 của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh 30-08-2024
Đưa văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc thấm sâu vào đời sống 28-08-2024
Khơi dậy giá trị văn hóa và phẩm chất tốt đẹp con người Bắc Ninh trong kỷ nguyên số 28-08-2024
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Người Anh cả của Quân đội, văn võ sáng giữa lòng dân 25-08-2024
Di chúc Bác Hồ 23-08-2024
Đại hội Chi đoàn Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2024 - 2027 21-08-2024
Ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 19-08-2024
Dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Quang Đạo 08-08-2024