KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGÔ GIA TỰ (3/12/1908- 3/12/2023)
Đồng chí Ngô Gia Tự- Tấm gương học giỏi và học tập không ngừng
Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Ngô Gia Tự luôn đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức và phẩm chất của người cách mạng, là tấm gương cao đẹp của người cộng sản, là tấm gương tự học, học giỏi và học tập không ngừng đối với mọi thế hệ người Việt Nam nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Đồng chí Ngô Gia Tự. Ảnh: Bảo tàng Bắc Ninh
Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 trong một gia đình nhà Nho tại làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kế thừa truyền thống gia đình, quê hương, ngay từ nhỏ Ngô Gia Tự đã nổi tiếng ham học và học giỏi.
Từ khi còn nhỏ, Ngô Gia Tự đã bộc lộ tư chất thông minh, học giỏi. Năm 1914, khi lên 6 tuổi, Ngô Gia Tự được gia đình cho đi học chữ Nho tại trường làng; năm 1916, Ngô Gia Tự được cha cho đi học chữ quốc ngữ tại trường tiểu học phủ Từ Sơn và thi đỗ bằng Sơ học yếu lược. Trong ba năm học tại trường (1916-1919), Ngô Gia Tự luôn đạt điểm cao trong học tập, là ngoan học sinh giỏi toàn diện.
Năm 1919, tốt nghiệp trường tiểu học phủ Từ Sơn, Ngô Gia Tự được gia đình cho đi học ở Trường Kiêm Bị thị xã Bắc Ninh. Năm 1922, tốt nghiệp loại ưu Trường Kiêm Bị thị xã Bắc Ninh, Ngô Gia Tự tiếp tục thi vào trường Bưởi ở Hà Nội và trúng tuyển với điểm số cao. Thời gian học tại trường Bưởi, Ngô Gia Tự luôn là học sinh giỏi và giỏi đều các môn, được bạn bè, thầy cô quý mến. Bạn bè cùng học thường gọi Ngô Gia Tự là “thần đồng”. Những bài toán, bài văn khó, các bạn thường đến nhờ Ngô Gia Tự giảng giải. Trong thời gian học tập tại trường, Ngô Gia Tự được tiếp xúc với nhiều nhà giáo yêu nước. Đồng thời, là người ham hiểu biết, ngoài giờ học, Ngô Gia Tự thường đến thư viện tìm đọc các loại sách báo, các tác phẩm văn học tiêu biểu của các nhà văn Pháp như Raxin, Môlie, Huygô, Ban dắc...; bí mật tìm đọc các sách báo cách mạng, đặc biệt là báo “Người cùng khổ”, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc... Qua đó, nhận thức về cách mạng và tinh thần đấu tranh chống áp bức dân tộc được bồi đắp thêm.
Trường Bưởi (Hà Nội) nơi đồng chí Ngô Gia Tự theo học. Ảnh: Bảo tàng Bắc Ninh
Ngô Gia Tự đã sớm hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925); đấu tranh đòi để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (1926), bị Giám đốc trường Bưởi đuổi học vì tội chống lại chính phủ bảo hộ. Mặc dù chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp lấy bằng trung học, song Ngô Gia Tự không hề băn khoăn, luyến tiếc bởi vì anh có lòng yêu nước tha thiết đã tìm ra con đường cách mạng. Đồng chí trở về quê mở lớp dạy học cho con em trong làng với mục đích tập hợp thanh, thiếu niên để tuyên truyền, giác ngộ tinh thần đấu tranh, giành độc lập tự do cho dân tộc. Đồng chí Ngô Gia Tự đã viết tại cổng nhà mình đôi câu đối:
“Cổng độc lập tha hồ khép, mở
Nhà tự do mặc sức ra vào”
Gác chuông chùa Cảm Ứng (Tam Sơn) nơi đồng chí Ngô Gia Tự dạy học và tuyên truyền cách mạng. Ảnh: Bảo tàng Bắc Ninh
Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Bản Đáy (Trung Quốc). Trong thời gian tham gia lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, đạo đức cách mạng nhằm trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho hoạt động cách mạng.
Trở về từ lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã tích cực hoạt động và trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1928 - 1930 với cương vị Bí thư Tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Ninh- Bắc Giang, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930).
Tuy công tác cách mạng rất bận rộn nhưng đồng chí Ngô Gia Tự vẫn tranh thủ thời gian tự học. Kỳ thi năm 1928, với tư cách thí sinh tự do, đồng chí đã đỗ tú tài Tây phần thứ nhất. Gia đình, dòng tộc rất mừng vui, bạn bè ca ngợi về sự thông minh, tài cao, trí lớn của đồng chí. Ngày 29/9/1928, tại nhà khách của gia đình đồng chí ở xóm Xanh, làng Tam Sơn, với danh nghĩa bạn bè cùng học về chúc mừng “Cậu tú tân khoa” Ngô Gia Tự, nhưng thực chất các đồng chí về đây để họp Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ. Hội nghị đã quyết định chủ trương “vô sản hóa” đưa hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền của tư bản để cùng lao động, cùng ăn, cùng ở với công nhân để tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, giác ngộ cách mạng, tổ chức công nhân đấu tranh giành quyền dân sinh, dân chủ. Đồng chí Ngô Gia Tự và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là hai thành viên của Ban chấp hành Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phụ trách phong trào “vô sản hóa”. Với tấm bằng tú tài Tây, đồng chí Ngô Gia Tự thường đến thư viện Quốc gia (Hà Nội) đọc các báo cáo của Sở Thanh tra lao động Đông Dương để tìm hiểu về thể lệ lao động và đời sống thợ thuyền. Đọc báo nước ngoài để tìm hiểu kinh nghiệm vận động và tổ chức đấu tranh của công nhân…
Nhà điện (trong khu nhà đồng chí Ngô Gia Tự) - nơi họp Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đề ra chủ trương “Vô sản hoá” ngày 28 - 29/9/1928. Ảnh: Bảo tàng Bắc Ninh
Cuối năm 1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt tại Sài Gòn. Thực dân Pháp giải đồng chí từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ để xét xử. Ban đầu đồng chí bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó bị đày ra Côn Đảo.
Tại địa ngục trần gian Côn Đảo, tinh thần ham học hỏi của đồng chí Ngô Gia Tự vẫn không hề bị đòn roi, tra tấn của kẻ thù vùi dập. Đồng chí đã cùng các bạn tù - những chiến sỹ cộng sản “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Ngô Gia Tự thường nói với anh em: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”.
Đồng chí Ngô Gia Tự đã tham gia tổ chức cho anh em học tập, nghiên cứu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, phương pháp cách mạng; nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp trong xã hội Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Chính từ kiến thức tích lũy được trong quá trình học tập tại lớp huấn luyện chính trị ở Bản Đáy (Trung Quốc) và hoạt động thực tiễn đã giúp Ngô Gia Tự viết cuốn “Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương” làm tài liệu học tập trong các lớp học lý luận chính trị ở nhà tù lúc đó. Tài liệu này còn được đưa ra ngoài phổ biến cho các đảng bộ ở đất liền. Mỗi khi có đồng chí hết hạn tù hoặc chuẩn bị vượt ngục ra ngoài, chi ủy giao mang những tài liệu mật đó ra ngoài để tổ chức học tập. Đồng thời, đồng chí còn thường xuyên viết bài cho tờ “Ý kiến chung” - tạp chí lý luận của Đảng bộ nhà tù và báo “Tiến lên”- cơ quan tuyên truyền của Hội Cứu tế tù nhân Côn Đảo.
Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là sự đàn áp dã man của chế độ lao tù thực dân, Ngô Gia Tự đã cùng các bạn tù của mình luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập. Học tập văn hóa qua chính trị. Càng tiến bộ về chính trị thì càng tiến bộ về văn hóa. Học cách xử thế, học để đoàn kết, học để đấu tranh. Tinh thần quyết tâm “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” của đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí đảng viên Đảng cộng sản khác đã thực sự trở thành nguồn sức mạnh thôi thúc “Các đồng chí ta nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, kiên trì học tập”.
Đồng chí Ngô Gia Tự là người chiến sĩ cách mạng đi tiên phong trong học tập văn hóa, học tập lý luận cách mạng, học ở nhà trường, tự học, học trong tù và học quần chúng công nông, đồng thời tích cực giảng dạy cho các đồng chí khác, kể cả những người không cùng chí hướng với mình. Đồng chí ra sức học tập chủ nghĩa Mác- Leenin. Đồng chí đã nghiên cứu và dịch từ Pháp văn sang Việt văn những tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác- Lênin như: Tuyên ngôn của Đảng cộng sản; Tư bản; Làm gì; Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; Hai sách lược của Đảng xã hội dân chủ; Chống Đuy Rinh… Do nghiên cứu sâu và có trí nhớ tốt nên khi bị tù ở Hỏa Lò (Hà Nội) đồng chí đã viết lại những nội dung chủ yêu của tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin” và biên soạn tập “Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương”. Ở nhà tù Côn Đảo nơi “Địa ngục trần gian” hà khắc, lao động khổ sai cực nhọc, đồng chí vẫn không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, năng lực công tác, đồng thời tích cực giảng dạy trong các lớp lý luận chính trị, văn hóa do chi bộ Đảng nhà tù tổ chức và là giảng viên xuất sắc.
Có trí tuệ cao, ham học cầu tiến bộ, đã được tôi luyện trong lò lửa cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã trở thành người cán bộ xuất sắc của Đảng. Đồng chí đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm trong thời kỳ đấu tranh thành lập Đảng và thời kỳ đầu của cao trào cách mạng 1930- 1931 do Đảng ta tổ chức lãnh đạo. Đồng chí Ngô Gia Tự là một học trò xuất sắc thực hiện lời giáo huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác- Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta”. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học tập, học giỏi và học tập không ngừng cho thế hệ hiện nay học tập và noi theo.
Phòng Nghiệp vụ
Các bài viết khác
Đồng chí Ngô Gia Tự trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc 03-12-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND- Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại thành phố Từ Sơn 25-11-2024
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Sum họp trúc mai” 24-11-2024
Ý nghĩa, lịch sử ngày Pháp luật Việt Nam 09-11-2024