KỶ NIỆM 119 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT (28/5/1905- 28/5/2024)

Đồng chí Hoàng Quốc Việt- Người cộng sản trung kiên mẫu mực

         Đồng chí Hoàng Quốc Việt, tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28/5/1905, tại Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (ngày nay là phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí là người cộng sản trung kiên, mẫu mực luôn tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc.  

         Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn sâu sát thực tiễn, hòa mình vào nhân dân, dựa vào nhân dân, gắn bó với nhân dân, được nhân dân tin yêu. Tất cả những người đã từng cộng tác hoặc tiếp xúc với đồng chí Hoàng Quốc Việt đều có chung ấn tượng sâu sắc về hình ảnh của một đảng viên kiên trung, bất khuất, liêm khiết, có tác phong bình dị, cởi mở và chân thành, đặc biệt quan tâm đến công nhân, người lao động; một đồng chí lãnh đạo có tính nguyên tắc cao, sắc sảo, linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng, được đồng chí, đồng bào kính trọng, tin tưởng.

         Đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia các phong trào cách mạng rất sớm, ngay từ năm 1925 khi còn là học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Đồng chí cùng với Lương Khánh Thiện, Lưu Bá Kỳ là những học sinh cùng trường tham gia bãi khóa, biểu tình để phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học, đồng chí lên mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội, rồi xuống Mạo Khê (Quảng Yên) làm thợ mỏ, rồi về Hải Phòng làm thợ nguội ở Nhà máy cơ khí Carông. Năm 1928, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ngay từ những ngày đầu, hoạt động sôi nổi trong phong trào công nhân, thanh niên. Năm 1929 bị đuổi khỏi Nhà máy cơ khí Carông, đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cùng với các đồng chí Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương, và sau đó đồng chí được cử đi dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðến Hải Phòng, đồng chí bị địch bắt, bị kết án khổ sai chung thân và đày đi Côn Ðảo. Tuy không có mặt ở hội nghị nói trên, đồng chí vẫn được cử vào Ban Chấp hành lâm thời của Ðảng.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt bị mật thám bắt tại Hải Phòng tháng 5/1930. Ảnh tư liệu

         Năm 1936, khi được trả tự do, đồng chí về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí khôi phục tổ chức Ðảng và các tổ chức cách mạng khác ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, được Ðảng phân công cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách các tờ báo của Ðảng. Những năm trong lao tù của thực dân Pháp từ Hải Phòng, Hà Nội, đến Côn Ðảo, chịu đựng bao trận đòn tra tấn, dã man, tàn khốc, nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt vẫn bất khuất, kiên cường, giữ vững khí tiết của người cộng sản. Ðồng chí còn xây dựng được tổ chức cách mạng trong nhà tù, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng. Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 của Ðảng, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị toàn quốc tháng 8/1945, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách công tác dân vận và cùng với Trung ương Ðảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám; sau đó được Trung ương cử vào Nam Bộ giúp Xứ ủy củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất. Trong những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và lực lượng quần chúng; xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Tại Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam (1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, được phân công trực tiếp phụ trách Dân vận - Mặt trận và làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Sau đó, đồng chí được Đảng, Nhà nước phân công giữ nhiều trọng trách quan trọng như: Chủ tịch Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí đã xây dựng hệ thống Viện Kiểm sát Nhân dân và là Viện trưởng đầu tiên của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong nhiều năm, góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này trong thể chế nhà nước từ trung ương đến địa phương.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Hoàng Quốc Việt tại Đại hội Đảng lần thứ II, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, tháng 2/1951. Ảnh tư liệu

          Những năm tháng hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài học quý về công tác vận động nhân dân, gắn bó Ðảng với nhân dân. Trong tác phẩm Tăng cường liên hệ với quần chúng, rèn luyện lối sống cách mạng, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình (NXB Sự thật, năm 1966), đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: Ðảng liên hệ với quần chúng nhân dân không những qua chính sách và phương pháp công tác mà còn qua các tổ chức chính quyền, các đoàn thể quần chúng, chủ yếu là qua các tổ chức cơ sở của Ðảng là chi bộ và qua bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Mối liên hệ giữa Ðảng và nhân dân là mối liên hệ sinh động và phát triển qua công tác thực tế hằng ngày và thái độ đối với quần chúng của mỗi người đảng viên và cán bộ của Ðảng. Cho nên, liên hệ với quần chúng cũng là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và khả năng công tác của một cán bộ, đảng viên. Người cán bộ, đảng viên tốt phải là người có liên hệ chặt chẽ với quần chúng và biết làm tốt công tác vận động quần chúng".

Đồng chí Hoàng Quốc Việt nói chuyện với các đại biểu tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần 3, năm 1962.

         Những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt cho Đảng, cho dân, cho thế hệ mai sau được đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Đồng chí Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng”.

 

Ngày đăng: 27-05-2024
Lan Anh (tổng hợp)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website