18 quy tắc Văn hoá giao thông của người Bắc Ninh

 18 quy tắc “Văn hoá giao thông” của người Bắc Ninh được quy định tại Bộ Quy tắc “Văn hóa giao thông” của người Bắc Ninh tại Quyết định số 600/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 của UBND tỉnh.

Theo đó, 18 quy tắc được áp dụng đối với các đối tượng gồm: Các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, các tổ chức và cá nhân, công dân tham gia giao thông.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông cần phải:

1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đến mọi người dân, phù hợp với từng đối tượng.

2. Thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao thông với trách nhiệm và kết quả cao hơn một mức so với nhiệm vụ được cơ quan quản lý cấp trên, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương giao.

3. Chủ động khắc phục những bất cập về tổ chức giao thông; nâng cấp hạ tầng giao thông Bắc Ninh hiện đại, thông minh, văn minh, đồng bộ, mỹ quan, môi trường, nhằm tạo sự thuận tiện khi lưu thông và đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Đối với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cần phải:

1. Lấy người dân là nguồn lực, động lực, mục tiêu trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vì an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

2. Trong quá trình tham gia giao thông, thực hiện phương châm "khi dân cần, dân khó có lực lượng Cảnh sát giao thông".

3. Tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, thuận lợi cho người tham gia giao thông.

4. Chủ động xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không để các hành vi vi phạm công khai, coi thường pháp luật, phản cảm về trật tự an toàn giao thông lan truyền trên mạng xã hội, gây hiệu ứng, tác động tiêu cực đến nhận thức xã hội, nhất là giới trẻ.

5. Ứng xử văn minh, không sách nhiễu, tiêu cực khi thi hành công vụ.

Đối với người tham gia giao thông: Hình thành văn hóa giao thông của người Bắc Ninh cần phải:

1. Tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

2. Đã uống rượu, bia thì không lái xe.

3. Không chen lấn khi tham gia giao thông, dù ùn tắc, tắc đường vẫn chấp hành đi đúng làn đường; dừng, đỗ xe đúng quy định.

4. Sử dụng còi xe đúng quy định, không lạm dụng việc sử dụng còi xe gây ô nhiễm tiếng ồn, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

5. Thường xuyên rèn luyện, bổ trợ kỹ năng vận hành xe an toàn; cập nhật các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

6. Chủ động nhường đường; tôn trọng, giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông, đặc biệt là người bị nạn, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai.

7. Ứng xử văn minh, lịch sự, có thái độ hợp tác tích cực khi xảy ra va chạm giao thông; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết các vi phạm về trật tự an toàn giao thông và trong công tác sơ cứu, cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông.

8. Ông, bà, cha, mẹ làm gương trong việc chấp hành pháp luật và ứng xử văn minh khi tham gia giao thông.

9. Kịp thời lên án các hành vi tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tích cực đề xuất các sáng kiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

10. Duy trì phương tiện tham gia giao thông an toàn, sạch đẹp; không sơn, dán, vẽ các hình ảnh gây phản cảm, trái quy định của pháp luật lên các phương tiện giao thông.

 

Ngày đăng: 05-07-2024
Phòng Nghiệp vụ

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website