“Chia lửa” với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân và dân tỉnh Bắc Ninh tiến lên giải phóng quê hương

        Cùng thời điểm diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Bắc Ninh tổ chức nhiều trận đánh oanh liệt, giành giật từng tấc đất, chiến hào. Tỉnh Bắc Ninh đã kiên cường vượt lên khó khăn, gian khổ xây dựng hậu phương vững chắc, đánh địch “chia lửa” với mặt trận, tiến lên giải phóng quê hương.

        Giai đoạn 1953-1954, quân ta liên tiếp giành thắng lợi trên các chiến trường. Thực hiện quyết tâm tiêu diệu toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị quyết định “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch này, cả nước ra trận, cả nước đánh giặc, các chiến trường phối hợp chặt chẽ, phân tán địch, kìm chân địch, tiêu diệt địch tạo điều kiện cho Điện Biên Phủ giành thắng lợi”.

       Tại Bắc Ninh, thực dân Pháp tăng thêm quân viễn chinh, quân ngụy và hệ thống đồn, bốt ở nhiều vị trí xung yếu. Địch liên tiếp mở những trận càn vào các khu du kích, tăng cường bắt lính và phá hoại kinh tế.

       “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”

       Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ thị cho các địa phương hoạt động phối hợp cùng với chiến trường, phát động phong trào thi đua: Diệt nhiều sinh lực địch ngay trên quê hương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”.

        Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, vừa bảo đảm giao thông, vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược cho chiến trường Điện Biên. Tỉnh đã huy động hàng chục nghìn bộ đội, thanh niên xung phong và dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Tại Bắc Ninh, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ngay từ những ngày đầu của chiến dịch. Ở Tiên Du, ta đánh hàng loạt đồn, bốt diệt 200 tên địch, giải thoát 17 chị em bị địch bắt để lập đội nữ địa phương quân. Tại Gia Lương (Gia Bình và Lương Tài), bộ đội và du kích đánh bốt Văn Thai, đánh càn ở Cao Đức, bao vây bốt Thiên Thai, buộc địch phải ra hàng. Tại thị xã Bắc Ninh, ta diệt bốt Hòa Đình, đốt cháy một kho đạn. Du kích Yên Phong đột nhập một số bốt, cắt hàng trăm mét rào dây thép gai, lấy mìn, thuốc nổ của địch. Quân và dân Từ Sơn đánh tan nhiều trận càn, quét của địch vào Phù Chẩn, Nội Trì, Yên Lã, Vân Hà, Dục Tú, diệt hàng trăm tên địch…

Dân quân du kích Đình Bảng rào làng và chôn mìn đánh địch.

       Đặc biệt ngày 22/2/1954, du kích và nhân dân thôn Trà Lâm, Tư Thế (Trí Quả) và thôn Ô Trì, Bút Tháp (Thuận Thành) phối hợp cùng các đơn vị đánh tan 4 đợt tấn công của địch, diệt 500 tên địch, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.

       Đáng chú ý, lực lượng vũ trang huyện Gia Lâm phối hợp cùng du kích xã Long Biên đào 50 hầm giấu quân, bí mật đột nhập đánh sân bay Gia Lâm. Đêm ngày 3/3 rạng sáng ngày 4/3/1954, từ các vị trí ém quân, 15 chiến sĩ trong đội đặc nhiệm lọt vào sân bay đánh phá khu để máy bay và nhà xưởng sửa chữa. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và nhanh làm quân địch không kịp trở tay. Kết quả, quân ta đã phá huỷ 18 máy bay, đốt cháy kho xăng chứa hàng vạn lít, phá hàng trăm mét vuông nhà xưởng của địch. Tiếp đó, quân ta còn tổ chức nhiều trận phục kích đánh địch trên quốc lộ 5, quốc lộ 1A, chặn đường tiếp tế của địch lên Điện Biên Phủ.

        Trước những thắng lợi của ta trên các chiến trường và những trận đánh tiêu diệt các đồn bốt của địch ở cả Bắc phần và Nam phần Bắc Ninh, quân địch ngày càng hoang mang, lo sợ.

       Trước những thắng lợi của ta trên các chiến trường và những trận đánh tiêu diệt các đồn bốt của địch ở cả Bắc phần và Nam phần Bắc Ninh, quân địch ngày càng hoang mang, lo sợ. Quân số bị thiếu hụt trầm trọng, địch phải ra sức dụ dỗ, lừa bịp, đe doạ và vây bắt thanh niên đi lính. Quân và dân Bắc Ninh đã đấu tranh và vận động để nhiều thanh niên không tham gia đi lính cho địch.

        Trên đường số 1A tại Từ Sơn, nhân dân đấu tranh chặn một đoàn xe chở hơn 100 thanh niên bị bắt lính về Hà Nội, vận động anh em bỏ trốn. Nhân dân các làng Khả Lễ, Bồ Sơn đấu tranh buộc địch phải thả 54 anh em bị bắt đi lính về với gia đình. Phong trào lan rộng đến Thuận Thành, Yên Phong, Quế Võ, Quế Dương, Võ Giàng, nhân dân đấu tranh mạnh mẽ buộc địch phải thả 3.500 thanh niên bị chúng bắt đi lính.

        Không chỉ đánh và tiêu diệt sinh lực địch tại chỗ, hàng nghìn thanh niên xung phong ở Bắc Ninh hăng hái lên đường hiến dâng tuổi thanh xuân, bám trụ trên các “trọng điểm lửa”, đảm đương công việc làm cầu đường, rà phá bom, vận chuyển vũ khí và lương thực thực phẩm… cùng bộ đội ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Theo thống kê, từ chiến dịch Biên giới năm 1950 cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tỉnh Bắc Ninh có 1.956 cán bộ, đoàn viên thanh niên tình nguyện tham gia vào lực lượng thanh niên xung phong.

        Với tinh thần “khoét núi ngủ hầm”, những chàng trai, cô gái Bắc Ninh trong các đơn vị thuộc Đội 40 (Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương) luôn bảo đảm thông suốt con đường dài hơn 100 km với những “trọng điểm lửa” như: Đèo Chẹn, Cò Nòi, Lũng Lô, Pha Đin (Sơn La)… để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

        Tiêu biểu là tấm gương gan dạ, dũng cảm của đồng chí Nguyễn Tiến Thụ, quê ở xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, thuộc tổ phá bom nổ chậm của Đội 34 và Đội 40. Trong lúc địch thả nhiều bom bươm bướm (bom nổ chậm), đồng chí Thụ dũng cảm xung phong tháo thử ngòi nổ một quả để rút kinh nghiệm. Thật bất ngờ, đồng chí tháo thành công quả bom nổ chậm đầu tiên mà không xảy ra thương vong. Từ đó các đơn vị học tập đồng chí và phá thành công hàng trăm quả bom các loại.

          Trên đà chiến thắng, giải phóng quê hương

         Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh, riêng đợt hoạt động phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ và mặt trận toàn quốc của quân và dân Bắc Ninh, ta đã tiêu diệt 3445 tên địch, làm bị thương 638 tên khác, bắt sống 515 tên, thu 562 súng các loại, phá hủy 16 xe ( trong đó có 8 xe tăng), làm hư hỏng 5 xe, 1 tàu chiến, 27 toa xe lửa, phối hợp phá hủy 15 máy bay, 1 kho xăng và thu nhiều vũ khí, đạn dược, đồ dùng quân sự.

         Ngày 7/5/1954, đại quân ta giành toàn thắng ở Điện Biên Phủ, kết thúc 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, anh dũng. Ngày 21/7/1954, thực dân Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Thi hành Hiệp định, ngày 8/8/ 1954, quân đội Pháp phải rút khỏi thị xã Bắc Ninh, một số xã thuộc huyện Từ Sơn, Thuận Thành, Gia Lương và toàn huyện Gia Lâm thuộc khu vực tập kết 80 ngày.

         Thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ đã cổ vũ quân và dân Bắc Ninh xốc tới. Bộ đội địa phương và dân quân du kích trong tỉnh đánh địch đều khắp trên quê hương với khí thế mạnh chưa từng có. Tiêu biểu là trận đánh đêm 7/7/1954, bộ đội chủ lực tỉnh phối hợp với dân quân du kích và bộ đội địa phương thị xã Bắc Ninh tập kích tiêu diệt hoàn toàn quận Võ Giàng. Diệt và bắt sống 100 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, đồ dùng quân sự cùng nhiều tài liệu quan trọng.  Cũng trong đêm đó, ta tổ chức đánh tung cầu phao Đáp Cầu, dùng hỏa lực kìm chế bắn vào các vị trí của địch ở núi Pháo Đài, bắn cháy kho xăng…

         Thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ đã cổ vũ quân và dân Bắc Ninh xốc tới.

         Song với bản chất ngoan cố, thực dân Pháp vẫn tìm mọi cách để chống phá ta. Chúng tuyên truyền xuyên tạc, đe doạ Mỹ sẽ ném bom nguyên tử, dụ dỗ cưỡng ép đồng bào theo đạo Thiên chúa, ngụy quân, ngụy quyền vào Nam.

       Quán triệt chủ trương của Đảng, Tỉnh uỷ Bắc Ninh đã triển khai công tác tiếp quản, đồng thời tăng cường cán bộ xuống huyện, xã để tuyên truyền về chiến thắng, thông báo nội dung, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng trong việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, yêu cầu thực dân Pháp phải thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh các điều khoản đã được ký kết. Tỉnh Bắc Ninh tập trung chống địch cưỡng ép đồng bào nhất là đồng bào theo đạo thiên chúa di cư vào Nam; nhanh chóng thiết lập trật tự xã hội và khôi phục các hoạt động sản xuất bình thường.

       Bên cạnh đó, tỉnh đã phát động phong trào toàn dân tiến hành công tác địch vận, làm tan rã hàng ngũ binh lính địch. Đối với lính ngụy, khẩu hiệu là “Không đi Nam, về với quê hương”; “Hòa bình rồi về đoàn tụ với gia đình, vợ con”; đối với lính Âu Phi khẩu hiệu là “Hòa bình và hồi hương”.  Nhờ đó, chỉ trong hơn một tháng (1/7 đến 3/8/1954, toàn tỉnh Bắc Ninh đã giữ được 10.934 ngụy binh không theo địch vào khu vực tập kết, làm tan rã 3 tiểu đoàn với 12 đại đội địch, thu nhiều vũ khí.

Tiểu đoàn Thiên Đức-bộ đội chủ lực tỉnh Bắc Ninh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

        Quân và dân Bắc Ninh đã vận động hàng nghìn ngụy binh bỏ hàng ngũ địch trở về với kháng chiến, phá tan hàng trăm cuộc càn quét, làm thất bại âm mưu “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch. Đặc biệt, đội du kích thiếu niên Đình Bảng đã lập công xuất sắc cắt đứt toàn bộ hệ thống gây nổ của địch trong âm mưu hủy diệt làng Đình Bảng.

         Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, với tất cả ý ý, nghị lực, của cải và vật chất, kiên cường anh dũng vượt lên gian khổ, đánh đuổi kẻ thù.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã không ngại gian khổ, không tiếc máu xương, với tất cả ý chí, nghị lực, của cải và vật chất, kiên cường anh dũng vượt lên gian khổ, đánh đuổi kẻ thù. Đúng 10 giờ ngày 8/8/1954, tên lính Pháp cuối cùng phải rút khỏi thị xã Bắc Ninh.

         Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã không ngại hy sinh, gian khổ, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch 4.000 trận lớn, nhỏ.

         Đoàn cán bộ của ta gồm 150 người cùng các đơn vị bộ đội Tiểu đoàn 434 (Trung đoàn 238), Tiểu đoàn 18 bộ đội chủ lực của tỉnh vào tiếp quản thị xã. Hàng vạn nhân dân thị xã và vùng lân cận với băng, cờ, khẩu hiệu, đứng chật hai bên đường vẫy chào bộ đội, cán bộ vào tiếp quản. 10 giờ 30 phút ngày 10/10/1954, tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng đã rút khỏi Gia Lâm, quê hương Bắc Ninh hoàn toàn sạch bóng quân thù.

        Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân tỉnh Bắc Ninh đã không ngại hy sinh, gian khổ, phối hợp với bộ đội chủ lực đánh địch 4.000 trận lớn, nhỏ. Tiêu diệt, bắt sống và làm bị thương 24 nghìn tên địch, phá hủy 4 đầu máy xe lửa, 75 toa xe, đánh hỏng 18 máy bay, đốt cháy 1 kho xăng chứa hàng vạn lít, đánh hỏng 2 cầu sắt bắc qua sông, 4 phà, 2 thuyền và 4 ca-nô, thu hàng vạn khẩu súng các loại, hàng nghìn tấn đạn dược và nhiều phương tiện chiến tranh khác.

Đội thiếu niên du kích Đình Bảng (ảnh chụp năm 1954). Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

        Với những chiến công oanh liệt trong phong trào thi đua giết giặc lập công của quân và dân Bắc Ninh, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Đội Công an danh dự tỉnh Bắc Ninh có thành tích diệt tề, trừ gian, đột nhập đánh sân bay Gia Lâm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen ngợi. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng nổi danh cả nước về thành tích chiến đấu chống thực dân Pháp, được tuyên dương đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

(Theo sách "Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh" và "Bắc Ninh, lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954")

Ngày đăng: 07-08-2024
Phòng Nghiệp vụ (tổng hợp)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website