Từ một học sinh yêu nước được giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào dân chủ năm 1936-1939, đồng chí Lê Quang Đạo đã đem hết nhiệt huyết, tham gia xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở các địa phương, trở thành nhà chính trị-quân sự xuất sắc. Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng cử vào quân đội và giữ chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn rồi sau đó làm Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy của nhiều chiến dịch quan trọng. Đồng chí được phong Thiếu tướng năm 1958 và thăng Trung tướng năm 1974. Nhớ về đồng chí là nhớ về vị tướng trận mạc tài năng, đức độ và trí tuệ.
Đình Bảng, nơi có di tích lịch sử đền Đô, thờ Lý bát đế nổi tiếng, cũng là vùng đất có truyền thống cách mạng, nơi sinh ra những tiền bối của Đảng, như: Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự và cũng là quê hương của đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện). Khu phố Tỉnh Cầu thuộc làng Đình Bảng xưa và nay là phường Đình Bảng thuộc thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh), khác với hoạt động ồn ã ngoài phố, theo con ngõ hẹp sâu hun hút và nhiều khúc cua, chúng tôi vào căn nhà số 9 của gia đình đồng chí Lê Quang Đạo với cảm giác bình yên rất lạ. Trong ngôi nhà ngói ba gian cổ xưa, nhiều đoàn khách đến dâng hương, hoa tưởng nhớ ông. Không gian tĩnh lặng, hương trầm thoang thoảng, khói trầm mỏng manh vấn vít, chúng tôi cúi đầu thành kính, tưởng nhớ vong linh vị tướng quân đội, nhà lãnh đạo cách mạng tài đức của dân tộc, người luôn đau đáu với lập trường giai cấp công nhân Bác Hồ đã truyền dạy.
Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn bồi hồi nhớ và kể về Nguyễn Đức Nguyện, người em trong họ nội tộc: “Chú Nguyện chính thức tham gia hoạt động cách mạng khi 17 tuổi (năm 1938). Chú ấy thông minh lại sớm giác ngộ khi học tập tại Trường Trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội) nên rất nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng, chống áp bức bất công”.
Từ 1936 đến đầu năm 1938, Nguyễn Đức Nguyện tham gia hoạt động Đoàn thanh niên dân chủ Hà Nội, dự mít tinh chống thuế; dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày do đồng chí Nguyễn Văn Cừ phụ trách, viết bài cho báo Con ong. Ông Thìn kể, đến nay, nhiều cụ cao niên ở phường Đình Bảng vẫn thuộc bài “Hò đi học” do Nguyễn Đức Nguyện sáng tác. Chuyện là, nhân dịp lễ của làng, Nguyễn Đức Nguyện đã tập hợp thanh niên kết hoa vào chiếc xe bò. Người ngồi trên đó đánh đàn Băng-Jô và trống đi khắp làng vận động các gia đình cho con đi học, biết cái chữ, để có cơ hội biết nền văn hóa Á, Âu. Tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm ấy, Xứ ủy Bắc kỳ tách chi bộ ghép Đình Bảng, Phù Lưu, Cẩm Giàng và Nguyễn Đức Nguyện được cử làm Bí thư chi bộ Đình Bảng. Trong thời gian này, anh được làm việc với các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ; tổ chức các cuộc mít tinh hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn, kêu gọi mọi người ủng hộ cách mạng.
Từ giữa năm 1941, Nguyễn Đức Nguyện lấy bí danh là Lê Quang Đạo để hoạt động và trải qua các chức vụ: Bí thư Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh; Bí thư Ban Cán sự Đảng Phúc Yên, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ; Bí thư Ban Cán sự Đảng TP Hà Nội, đồng thời là biên tập viên báo Cứu quốc, Cờ giải phóng và là Phó ban tuyên truyền Trung ương Đảng.
Từ năm 1939, phong trào cách mạng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận liên tiếp bị khủng bố, nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đầy, tra tấn và hy sinh. Nhiều cán bộ của Đảng lánh về quê để củng cố tổ chức và chờ thời cơ thì Lê Quang Đạo vẫn hoạt động rất sôi nổi ở Hà Nội. Thời điểm ấy, trong hồ sơ của mật thám Pháp, chúng gọi Lê Quang Đạo là “đốc lý đỏ” và tìm mọi cách truy bắt. Năm 1944, nhờ may mắn, quyết đoán, Lê Quang Đạo đã thoát khỏi cái bẫy mật thám Pháp. Chuyện là, khi vào nội thành hoạt động, Lê Quang Đạo không biết các đồng chí Vũ Quốc Uy, Như Phong và Tô Hoài đã bị bắt. Trong căn nhà ở phố Phó Đức Chính, bọn mật thám đóng giả người dân ngồi uống nước, đánh cờ, đọc báo để chờ tóm “đốc lý đỏ”. Sau khi vào nhà và cảm nhận có gì đó bất ổn, Lê Quang Đạo đã đi ra nhà bếp và sân sau. Tại đây, khi thấy đôi mắt đỏ hoe của một phụ nữ ở trọ, Lê Quang Đạo quyết định tẩu thoát. Anh trèo lên mái bếp, lên sân thượng, theo tường tụt xuống và hòa vào dòng người đi bộ trên phố Ngũ Xã. Vài phút sau, bọn mật thám Pháp mới ngỡ ra thì đã bị mất “con cá to”. Sau này, khi phân tích sự việc, nhiều người khẳng định, Lê Quang Đạo thoát được là nhờ dáng người thấp nhỏ lại mặc quần áo học sinh, đeo kính nên bọn mật thám không nghĩ đấy là ông “đốc lý đỏ” mà chúng cần. Bởi có thể, trong suy đoán của chúng, “đốc lý đỏ” là người cao lớn, uy quyền chứ không phải là một thanh niên mới 23 tuổi dáng thấp nhỏ, thư sinh.
Chiều cuối tuần chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Quang Thắng, con trai trưởng của đồng chí Lê Quang Đạo ở đường Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Anh Thắng kể vắn tắt, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, bố anh đã tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bố anh lại được phân công làm Phó bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. “Bố tôi chính thức được điều động tham gia quân đội từ tháng 10-1950 và đảm nhiệm Cục trưởng Cục Tuyên huấn. Năm 1978, bố tôi chuyển ra và làm Bí thư Trung ương Đảng, và trực tiếp là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội rồi năm 1983 thì chuyển sang làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, phụ trách công tác dân vận và những chức vụ quan trọng khác của Quốc hội và Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Anh Thắng lục lại ký ức về người cha thân yêu trong xúc động.
28 năm ở quân đội, chỗ nào nóng bỏng, ác liệt nhất, thậm chí hy sinh nhiều nhất thì đồng chí Lê Quang Đạo có mặt. Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo đang là Phó ban Tuyên truyền Trung ương và phụ trách báo Sự thật thì được Trung ương Đảng điều động vào quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh giao Lê Quang Đạo làm Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Ngay sau đó đồng chí được phân công là Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Chiến dịch Biên giới. Do tính chất và tầm quan trọng của chiến dịch nên Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này và Lê Quang Đạo là một trong những người đi bộ, leo đèo lội suối cùng với Bác Hồ. Sau này, nhà văn Nguyệt Tú, vợ đồng chí Lê Quang Đạo kể lại lời dạy của Bác với đồng chí Lê Quang Đạo: “Bác Hồ dạy anh Đạo bài học đầu tiên làm công tác chính trị trong quân đội. Những lời chỉ bảo trực tiếp của Bác và hoạt động thực tiễn của chiến dịch vô cùng quý giá đối với anh ấy. Bác nói: Công tác của một cán bộ chính trị trong quân đội còn phải quan tâm đến mọi sinh hoạt của bộ đội”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Lê Quang Đạo đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy chiến dịch, Chính ủy sư đoàn 308. Thời điểm này có sự việc là, thực hiện nhiệm vụ nghi binh chiến lược, Sư đoàn 308 đã hành quân thần tốc đánh sang Lào rồi quay ngay về đánh Điện Biên Phủ trong vòng một tháng. Trong thư gửi từ đất Lào về cho bà Nguyệt Tú, đồng chí Lê Quang Đạo viết: “Thư Anh gửi đúng ngày Tết: Trèo đèo lội suối theo đơn vị truy kích địch cũng vất vả mội tí nhưng anh em chiến sĩ vất vả và gian khổ hơn nhiều lắm. Có đơn vị đi liền năm ngày đêm không ngủ, chỉ ăn hai nắm cơm và một ít gạo rang”.
Trong chiến dịch quan trọng này, Lê Quang Đạo là một trong số các chỉ huy có công lớn trong chỉnh huấn tại mặt trận. Chuyện là, sau đợt tiến công thứ hai đã xuất hiện tư tưởng ngại hy sinh, mệt mỏi, bi quan... Theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể sau này: “Anh Đạo đã giúp tôi tổ chức hội nghị động viên tinh thần cán bộ trung cao cấp ở Điện Biên Phủ. Hội nghị đã cực kỳ thành công”. Đợt chỉnh huấn đã tạo không khí tin tưởng, phấn khởi trên toàn mặt trận, quân ta hăng hái mở đợt 3, tổng công kích tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tháng 5-1955, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí giữ các chức vụ: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận đường 9-Khe Sanh; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh 500 đóng ở Khu 4. Trong Chiến dịch mặt trận đường 9-Nam Lào (1971) và Chiến dịch đường 9-Quảng trị (1972), đồng chí Lê Quang Đạo là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy.
Bà Nguyệt Tú kể lại: Cuối 1967, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, đòn nghi binh chiến lược cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 trên toàn miền Nam. Anh Lê Quang Đạo là Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy, Thiếu tướng Trần Quý Hai là Tư lệnh. Vào chiến dịch ít ngày, địa điểm bị lộ. B52 ném bom vỡ núi. Bị đá lấp, cả tiểu đội thông tin hầu hết là nữ hy sinh trong hang. Đoàn cán bộ lạc trong bãi bom B52, hai đồng chí bảo vệ bị thương vì đá đập khi nằm đè lên che cho anh Đạo. Bác sĩ Trung kể lại: “Để xua tan lo âu, anh Đạo kể chuyện vui. Chuyện vừa dứt tiếng cười bật lên... Cả đoàn còn sót bát thính rang từ cơm nguội. Bát thính được chia làm 13 phần, mỗi phần chỉ vài trăm hạt, cho một lần vào miệng lọt thỏm. Cầm phần thính, anh Đạo chỉ nhận phân nửa, còn phân nửa anh đưa tới một đồng chí vừa dứt cơn sốt rét, vì anh biết rằng sau cơn sốt rét cái đói và cái khát càng ghê gớm hơn”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Lê Quang Đạo lại được giao làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh 500 mới thành lập. Lúc này địch ngừng ném bom từ vĩ tuyến 21 trở ra và tập trung đánh phá “vùng cán xoong”. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã kể lại trong hồi ký sau này về Lê Quang Đạo: “Anh Đạo điện nói chuyện dài với tôi. Anh nói nhẹ nhàng nhưng rất thuyết phục: “Trước mắt phải gùi thồ xăng dầu sang cho 559... Dù xăng dầu tiếp tế kiểu này không thể đáp ứng đủ nhu cầu nhưng giá trị về quyết tâm thì rất cao và tạo nên sự động viên mạnh mẽ ở 559”.
Đầu năm 1971 địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh vào Nam Lào, cắt đứt đường vận chuyển từ miền Bắc chi viện miền Nam. Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch lịch sử Đường 9-Nam Lào, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn là Tư lệnh, Lê Quang Đạo là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. Chiến dịch này ta thắng lớn, bắt hàng ngàn tù binh, đánh bại mưu đồ “Việt Nam hóa chiến tranh”. Lê Quang Đạo kể lại: “Đại tá Thọ, chỉ huy Lữ đoàn Dù 3 bị quân ta bắt, đã nói với tôi là chính quyền Sài Gòn chỉ tồn tại được 2 năm khi quân Mỹ đã rút hết”. Thực tế lịch sử đúng như vậy.
Tháng 3-1972, Lê Quang Đạo lại được cử làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Trị-Thiên. Ngày 2-5-1972, quân ta giải phóng thị xã Quảng Trị. Sau đó là cuộc chiến đấu giữ thị xã và Thành cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm vô cùng khốc liệt. Có hôm ở Sở chỉ huy mặt trận, Lê Quang Đạo bị ngất ngay tại chỗ do căng thẳng quá sức khi nhận tin cán bộ chiến sĩ có thương vong lớn.
Nghiên cứu những bài viết đồng chí Lê Quang Đạo để lại, điều chúng tôi ấn tượng là tính chiến đấu cao. Nhiều nội dung đồng chí viết đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong bài “Việt Minh muốn tiến lên phải bỏ tính ỷ lại” đăng trên báo Cứu quốc ngày 17-4-1944, Lê Quang Đạo kịch liệt phê phán kiểu làm việc ỷ vào cán bộ. Cán bộ đến thì phong trào khởi phát, cán bộ đi là phong trào mất tiêu. Hiện vấn đề này vẫn rất nhức nhối trong xã hội chúng ta. Hay như trong tác phẩm “Học tập cách xem xét vấn đề đúng đắn” phục vụ chỉnh huấn quân đội năm 1957, Lê Quang Đạo chỉ rõ phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân thì mới có thể xem xét, giải quyết các vấn đề thấu đáo, hợp lý và để đấu tranh triệt để với chủ nghĩa cá nhân.
Tháng 9-1962, đồng chí Lê Quang Đạo có bài “Về công tác tư tưởng và công tác tổ chức” đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân đề cập đến các vấn đề nổi cộm lúc bấy giờ là coi nặng công tác tư tưởng mà bỏ quên công tác tổ chức. Đồng chí đã chỉ ra những khuyết điểm hoặc quá tả hoặc quá hữu với những ví dụ hết sức cụ thể, sâu sắc trong quân đội. Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị từng viết trong bài “Người anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”: “Lê Quang Đạo là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc. Anh có tâm và có tài... Anh có tính nguyên tắc rất cao, rất chặt chẽ về quan điểm, đường lối, rất kỹ lưỡng về chữ nghĩa và cực kỳ khó tính khi thông qua các văn kiện, nhưng tấm lòng anh rộng mở, trái tim anh thật nhân hậu”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì đánh giá: “Bản thân Lê Quang Đạo là một con người tiêu biểu cho phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Anh là nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ từng dạy”.
Tháng 6-1987, tại kỳ họp Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đây là thời kỳ nước ta mới bước vào công cuộc đổi mới và gặp rất nhiều khó khăn. Với trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm cao, đồng chí Lê Quang Đạo đã chú trọng đổi mới phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đồng chí đã điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn mang tính dân chủ cao, phát huy trí tuệ đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá: “Có thể nói từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987), trình độ của đại biểu Quốc hội đã được nâng lên tầm cao mới; chất lượng của các kỳ họp Quốc hội đã có nhiều tiến bộ. Quốc hội đã đáp ứng được những đòi hỏi mới, rất xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân”.
Đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện mà ông Nguyễn Đức Thìn kể. Năm 1967, bà Nụ, chị con bác của ông có một cậu con trai xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Bà lo lắng đến gặp chú Lê Quang Đạo: “Chú cho cháu nó ở ngoài Bắc, không phải vào Nam chiến đấu!”. Trung tướng từ tốn thưa với chị họ của mình rằng: “Vài hôm nữa em cũng ra chiến trường. Chị cứ để cho cháu thực hiện ý chí làm trai, hòa vào cuộc trường chinh của dân tộc”. Năm 1968, chiến sĩ ấy hy sinh ở Khe Sanh. Hòa bình, khi gặp nhau, Trung tướng Lê Quang Đạo ôm chị Nụ thật chặt, nước mắt nhòe cặp kính, không nói thành lời. Kể hết câu chuyện, ông Thìn nghẹn ngào: "Chú em tôi là thế đấy, luôn trọng việc nước trước việc nhà".
Theo: qdnd.vn
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
công khai bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách quý 2/2024 của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh 30-08-2024
Đưa văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc thấm sâu vào đời sống 28-08-2024
Khơi dậy giá trị văn hóa và phẩm chất tốt đẹp con người Bắc Ninh trong kỷ nguyên số 28-08-2024
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Người Anh cả của Quân đội, văn võ sáng giữa lòng dân 25-08-2024
Di chúc Bác Hồ 23-08-2024
Đại hội Chi đoàn Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2024 - 2027 21-08-2024
Ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 19-08-2024
Dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Quang Đạo 08-08-2024