Khơi dậy giá trị văn hóa và phẩm chất tốt đẹp con người Bắc Ninh trong kỷ nguyên số
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay những thành tựu trong chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo AI có thể làm thay đổi cách thức quản lý, điều hành, quản trị xã hội, thậm chí thay đổi cách nghĩ, lối tư duy, ứng xử của con người nhưng giá trị cốt lõi vẫn thuộc về con người. Công nghệ có thể không ngừng biến đổi, nhưng yếu tố con người vẫn luôn giữ vai trò không thể phủ nhận trong việc phán đoán và đưa ra kết luận cuối cùng. Con người hơn máy móc là ở khả năng lãnh đạo, kết nối, khả năng lay động tình cảm và tư duy phản biện. Vì vậy, xây dựng con người Bắc Ninh vẫn luôn là nhiệm vụ trung tâm, là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Nhìn lại suốt tiến trình lịch sử của dân tộc, các thế hệ người dân Bắc Ninh đã cùng nhau tạo lập được những thành quả to lớn, đặc sắc về văn hóa vật chất và tinh thần trên mọi lĩnh vực, nên được sử sách, dân gian và các nhà nghiên cứu ca ngợi là “cái nôi của người Việt cổ”, vùng đất “địa linh nhân kiệt” và “cái nôi” sinh thành và phát triển lịch sử - văn hóa của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ người dân Bắc Ninh từng nổi tiếng chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động; thông minh hiếu học, tôn sư trọng đạo; yêu nước cách mạng, anh hùng đánh giặc; túc nho bác học; giàu tính văn chương nghệ thuật dân gian... đã làm nên bản sắc văn hóa xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh.
Tập trung xây dựng con người Bắc Ninh trong kỷ nguyên số ngoài giá trị về thời đại vẫn bảo đảm các yếu tố truyền thống, bản sắc quê hương.
Sau gần 30 năm tái lập, Bắc Ninh từ một tỉnh thuần nông, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật còn lạc hậu, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn đã bứt phá vươn lên phát triển và đạt nhiều kết quả nổi bật, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Những năm gần đây, việc thực hiện chuyển đổi số đã đem lại một số kết quả đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng trong đó có tỉnh Bắc Ninh. Ngày 18/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số, tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đây là Nghị quyết chuyên đề riêng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về chuyển đổi số, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị của tỉnh trong việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn. Bắc Ninh đã xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai chính quyền số, triển khai phần mềm phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp… Trong đó lấy người dân làm trung tâm, coi dữ liệu là tài nguyên mới và nền tảng là giải pháp đột phá để triển khai chuyển đổi số đạt hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số.
Thế hệ trẻ Bắc Ninh tìm hiểu truyền thống hiếu học, khoa bảng của quê hương tại Văn Miếu Bắc Ninh.
Chuyển đổi số đem lại nhiều tiện ích cho người dân, song cũng có những mặt tiêu cực hạn chế, tác động đến ứng xử và mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Trước yêu cầu mới của sự phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn chuyển đổi số của tỉnh Bắc Ninh, ngày 29/8/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU “Về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Trong đó tập trung xây dựng con người trong kỷ nguyên số ngoài giá trị về thời đại vẫn bảo đảm các yếu tố truyền thống, bản sắc quê hương. Trong đó tỉnh tập trung xây dựng con người Bắc Ninh trong giai đoạn mới bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị phẩm chất, đạo đức con người Bắc Ninh - Kinh Bắc trong đó chú trọng tới các yếu tố như: Truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giàu lòng yêu quê hương, đất nước; có ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên; có lối sống lành mạnh, trọng nghĩa, trọng tình, trung thực, đoàn kết, sáng tạo; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, Quy ước của cộng đồng dân cư; ham học hỏi, hiểu biết về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, đất nước... Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, thể dục thể thao để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, tuổi thọ, tâm hồn, tình cảm cao đẹp. Gắn giáo dục tri thức với giáo dục đạo đức, thể chất, kỹ năng sống đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm ổn định, bảo đảm an ninh con người, phúc lợi xã hội cho nhân dân. Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong nhân dân.
Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hành các hoạt động mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự. Đẩy mạnh đấu tranh đẩy lùi cái xấu, cái ác, những hủ tục lạc hậu ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mĩ tục trong gia đình và đời sống văn hoá cộng đồng dân cư.
Phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Học tập, lao động, sáng tạo”, xây dựng “Gương người tốt việc tốt” và các điển hình tiên tiến gắn với các phong trào thi đua yêu nước được triển khai trên địa bàn tỉnh. Xây dựng Bộ tiêu chí, bình xét, vinh danh nhằm tôn vinh công dân Bắc Ninh tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thi đua trong học tập, công tác, lao động, sản xuất; xây dựng hình ảnh con người Bắc Ninh trong thời kỳ mới. Cần xây dựng môi trường và đời sống văn hoá phong phú, lành mạnh. Mỗi gia đình, cộng đồng, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phấn đấu phải là một môi trường văn hóa lành mạnh.
Kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra chân trời, thế giới mới cho từng người, từng cộng đồng, để tất cả mọi người được chia sẻ, giao lưu, tiếp cận và đóng góp chung vào thành tựu, văn minh nhân loại, khẳng định sáng tạo, giá trị cá nhân. Để xây dựng con người Bắc Ninh trong kỷ nguyên số cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khơi dậy những giá trị văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Ninh. Mỗi người dân cần phát huy cao trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ trước sự phát triển của tỉnh, chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị quyết tâm xây dựng quê hương Bắc Ninh giàu đẹp, phát triển bền vững.
Nguồn: svhttdl.bacninh.gov.vn
Các bài viết khác
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công Đền thờ Bác Hồ và Công viên Văn Miếu 14-01-2025
Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung tổ chức Lễ kỷ niệm 3 năm thành lập Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay 13-01-2025
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 08-01-2025
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được công nhận là Bảo vật quốc gia 07-01-2025
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 06-01-2025
Quảng bá di sản văn hóa Kinh Bắc tại Cuộc thi đèn lồng quốc tế 2025 06-01-2025
Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 21-12-2024