Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được công nhận là Bảo vật quốc gia
Thủ tướng vừa quyết định công nhận 33 hiện vật, nhóm hiện vật là Bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024, trong đó có Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" (Báu vật của hoàng đế) hiện đang được trưng bày và bảo quản an toàn, nghiêm ngặt tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (thành phố Từ Sơn).
Bảo vật quốc gia Ấn vàng Hoàng đế chi bảo hiện đang được bảo quản an toàn, nghiêm ngặt tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (thành phố Từ Sơn).
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là tên gọi con dấu vàng quý hiếm kim bảo tỷ của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841). Ấn vàng cao 10,4cm, nặng 10,78kg, mặt hình vuông, kích thước 13,8 x 13,7cm do Hoàng đế Minh Mạng ra lệnh chế tác vào năm Minh Mệnh thứ tư (1823). Đại Nam thực lục chép: "Ngày Giáp thìn, đúc ấn Hoàng đế chi bảo (núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu thư, sắc dụ đều đóng ấn ấy".
Mặt ấn đúc nổi 4 chữ Hán dạng triện thư "Hoàng đế chi bảo" nằm trong một khung diềm kích thước 10,8cm x 10,8 cm. Dòng chữ bên phải thân rồng gồm 13 chữ "Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo" (nghĩa là được đúc vào giờ lành ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư, tức năm dương lịch 15-3-1823). Dòng chữ bên trái thân rồng gồm 14 chữ "Thập thành hoàng kim, trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân" (nghĩa là: Làm bằng vàng mười, trọng lượng 280 lạng 9 chỉ 2 phân). Quy đổi ra trọng lượng là 10,78 kg, làm từ vàng "thập thành" còn gọi là vàng nguyên chất, vàng ròng, tỷ lệ vàng đạt tới 99,99%. Đây là chiếc ấn thuộc loại đẹp nhất và nặng nhất của triều Nguyễn.
Nét đẹp hoàn hảo của Bảo vật quốc gia Ấn vàng Hoàng đế chi bảo.
Nét đẹp hoàn hảo của chiếc ấn không chỉ ở ánh vàng tinh khiết, long lanh mà còn ở nghệ thuật tạo hình rồng có thế nằm cuộn khuôn lại, mềm mại trong một vòng tròn đặt trong một cái đế vàng hình vuông... Rồng được tả chi tiết toát nên vẻ uy nghi, mắt nhìn thẳng, chân rồng có 5 móng biểu tượng cho mệnh Thiên tử.
"Hoàng đế chi bảo" là chiếc ấn có giá trị vượt trội, không chỉ bởi kích thước, chất liệu, tính thẩm mĩ mà còn có ý nghĩa lịch sử. Bảo vật gắn với nhiều mốc lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 30-8-1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã bàn giao cho chính quyền cách mạng chọn chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" cùng thanh bảo kiếm mà vua Khải Định (trị vì 1916 - 1925) trao lại. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chiếc ấn được đem giấu ở làng Nghĩa Đô (Hà Nội), người Pháp đã tìm được và tổ chức lễ trao ấn lại cho cựu hoàng Bảo Đại vào ngày 8-3-1952. Sau đó, ấn được mang sang Pháp.
Sau hơn 70 năm lưu lạc, ấn vàng được hồi hương vào đúng dịp 200 năm ấn được đúc. Vào tháng 11-2023, ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã chi số tiền hơn 6,1 triệu euro (khoảng hơn 153 tỷ đồng) mua lại ấn vàng từ hãng đấu giá Millon (Pháp).
Cùng với Ấn vàng, Bắc Ninh hiện đang có 19 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nguồn: baobacninh.vn
Các bài viết khác
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ khởi công Đền thờ Bác Hồ và Công viên Văn Miếu 14-01-2025
Câu lạc bộ Quan họ Hoài Trung tổ chức Lễ kỷ niệm 3 năm thành lập Phòng trưng bày Quan họ xưa và nay 13-01-2025
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 08-01-2025
Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh về tổ chức đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 06-01-2025
Quảng bá di sản văn hóa Kinh Bắc tại Cuộc thi đèn lồng quốc tế 2025 06-01-2025
Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 21-12-2024
Đồng chí Ngô Gia Tự trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc 03-12-2024