Hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học khẩn cấp 2 chiếc thuyền cổ ở phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành
Sáng ngày 26/3, tại hiện trường hố khai quật khảo cổ học khẩn cấp 2 chiếc thuyền gỗ cổ thuộc địa bàn khu phố Công Hà (phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Viện Khảo cổ học tổ chức Hội thảo đánh giá sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học khẩn cấp 2 chiếc thuyền cổ. Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học Trung ương và địa phương.
Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Phó Trưởng phòng Khảo cổ học Lịch sử (Viện Khảo cổ học) - Chủ trì Đoàn khai quật Báo cáo sơ bộ tại hiện trường.
Về phía Trung ương có PGS. TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam; tiến sĩ Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khảo cổ học; tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á. Về phía địa phương có tiến sĩ Nguyễn Văn Đáp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thạc sĩ Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh cùng đại diện lãnh đạo UBND thị xã Thuận Thành, lãnh đạo UBND phường Hà Mãn.
Các đại biểu, nhà nghiên cứu trao đổi, thảo luận tại hiện trường
Hội thảo tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào hai vấn đề chính: Nhận định, đánh giá bước đầu về giá trị của 2 chiếc thuyền gỗ cổ; đề xuất phương hướng và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của 2 chiếc thuyền gỗ cổ kể trên.
Các đại biểu tham quan hiện trường khai quật
Báo cáo sơ bộ tại hiện trường hố khai quật khảo cổ học khẩn cấp, Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Phó Trưởng phòng Khảo cổ học Lịch sử (Viện Khảo cổ học) - Chủ trì Đoàn khai quật cho biết: 02 chiếc thuyền cổ vừa phát hiện theo đo đạc có kích thước dài 16,2m, rộng 2,25m, sâu khoảng 2,15m, chia thành 6 khoang, đáy thuyền là nguyên một thân cây gỗ “độc mộc”, phía bên trên ghép ván bằng mộng và chốt gỗ. Hai lòng thuyền được kết nối chắc chắn với nhau ở phần mũi. Kết cấu 02 chiếc thuyền rất đặc biệt với liên kết kiên cố, kỹ thuật ghép mộng đạt trình độ cao, toàn bộ đinh đóng thuyền bằng gỗ, hoàn toàn không có dấu vết sử dụng đinh bằng kim loại. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia khảo cổ nhận định, đây có thể là 1 thuyền 2 đáy (còn gọi thuyền hai lòng hay thuyền song thân) dùng để chở hàng hóa trên dòng sông Dâu xưa, kết cấu thuyền cực kỳ độc đáo không chỉ phạm vi trong nước mà với cả thế giới.
Các di vật thu được trong đợt khai quật
Hiện tại chưa xác định được niên đại chính xác của 02 chiếc thuyền gỗ cổ vì còn chờ kết quả phân tích mẫu Carbon - C14 (sau khoảng 20 - 25 ngày) và các nghiên cứu khoa học liên quan khác.
Tuy nhiên, qua kết quả nghiên cứu tại hiện trường hố khai quật khảo cổ học khẩn cấp 2 chiếc thuyền gỗ cổ và đối chiếu so sánh nhiều nguồn tư liệu lịch sử chính thống, các nhà khoa học đánh giá đây là phát hiện vô cùng giá trị, quý hiếm, độc đáo nhất trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam./.
Nguyễn Văn An (Phòng Bảo tàng)
Các bài viết khác
Tinh hoa văn hóa Bắc Ninh tỏa sáng tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm 30-03-2025
Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bảo tàng và Xúc tiến Du lịch Bắc Ninh 27-03-2025
Từ 0h ngày 20/3, các tour du lịch miễn phí ở Bắc Ninh chỉ nhận đăng ký online 19-03-2025
Hội thi Dân ca Quan họ Bắc Ninh Xuân Ất Tỵ diễn ra vào đầu tháng 3/2025 24-02-2025
Công trình kết nối giá trị lịch sử, văn hóa xưa và nay 19-02-2025
Chương trình trải nghiệm “Du xuân miền Quan họ năm 2025” 05-02-2025
Chương trình nghệ thuật đặc biệt đêm giao thừa "Sắc Xuân Kinh Bắc - chào Xuân Ất Tỵ 2025" 29-01-2025
Rực rỡ đường hoa Xuân Ất Tỵ năm 2025 26-01-2025