HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 110 NĂM

NGÀY SINH TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ (9/7/1912 - 9/7/2022)

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9/7/1912 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, yêu nước thuộc dòng tộc Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi, tại một vùng quê văn hiến, làng Phù Khê Thượng, xã Phù Khê, huyện Từ Sơn (nay là khu phố Phù Khê, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn). Là người thông minh, có chí lớn, ngay từ khi còn đi học, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng khi mới 16 tuổi, được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi 26 tuổi (năm 1938) và bị thực dân Pháp giết hại lúc 29 tuổi (năm 1941). Cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng trong sáng và cao đẹp. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh oanh liệt của Đồng chí đã góp phần làm rạng danh Tổ quốc ta, dân tộc ta; tô thắm thêm lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2022), Bảo tàng Bắc Ninh trân trọng giới thiệu về điểm nổi bật trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí.

Năm 1927, khi đang là học sinh trường Bưởi ở Hà Nội (trường Bảo hộ), đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được tiếp xúc với các tài liệu, báo chí cách mạng, sớm giác ngộ và tham gia các hoạt động yêu nước của học sinh trường Bưởi. Đầu năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đồng chí là thành viên hoạt động tích cực của Hội, bị mật thám theo dõi và nhà trường thực dân đuổi học. Tháng 6/1928, sau khi rời khỏi trường Bưởi, đồng chí đã trở về quê hương mở lớp dạy học, tiếp tục hoạt động gây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở quê hương.

Cuối năm 1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đi vô sản hóa tại mỏ than Vàng Danh thuộc vùng mỏ Đông Bắc nước ta. Tại đây, đồng chí đã lăn mình vào cuộc sống lao động khổ cực, vất vả của công nhân, thợ thuyền để tự rèn luyện lập trường giai cấp công nhân, nhằm tuyên truyền, gây dựng tổ chức, cơ sở và phong trào cách mạng trong giai cấp công nhân vùng mỏ. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 phố Khâm Thiên (Hà Nội), Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được tổ chức, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành cán bộ cốt cán của Đảng ở vùng mỏ than Đông Bắc. Cuối tháng 10/1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được điều về mỏ than Mạo Khê trực tiếp gây dựng lại cơ sở cách mạng ở đây vừa bị địch phá hoại. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), cuối tháng 2/1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam mỏ Mạo Khê - Đây là chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở vùng mỏ và mở đầu cho thời kỳ thành lập các chi bộ cộng sản ở vùng mỏ Đông Bắc. Từ cuối tháng 2 đến tháng 4/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, các chi bộ Đảng  cộng sản Việt Nam các mỏ Uông Bí, Vành Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông... lần lượt ra đời. Trước sự phát triển mạnh mẽ của các chi bộ vùng mỏ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có sáng kiến thành lập Đặc khu ủy mỏ và được Trung ương đồng ý, ra tờ báo “Than” do đồng chí trực tiếp phụ trách, phát hành rộng rãi trong công nhân. Ngày 25/2/1931, trên đường đi công tác từ Cẩm Phả về Hòn Gai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt, chúng đưa đồng chí về Sở mật thám Hải Phòng, sau đó đem về nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội. Ngày 13/5/1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Văn Cừ ra xét xử tại Hội đồng đề hình Hà Nội và kết mức án phát lưu chung thân, đi đày ở Côn Đảo. Cùng với các chiến sĩ cộng sản khác, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã biến “nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” tiếp tục học tập trau rồi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, thắp sáng niềm tin vào tiền đồ cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Năm 1936 do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp và áp lực đấu tranh của nhân dân ta đồng chí Nguyễn Văn Cừ và một số tù chính trị Côn Đảo được trả tự do. Không trở về quê mà ở Hà Nội hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắt liên lạc với đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lương Khánh Thiện, Trường Chinh, Nguyễn Văn Minh... lập ra “Ủy ban sáng kiến”. Tháng 7/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp tham gia thành lập “Xứ ủy lâm thời Bắc Kỳ” mở đầu thời kỳ khôi phục các cơ sở đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, đây là thời kỳ Đảng ta ra hoạt động công khai đưa quần chúng ra đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ. Tại Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng ngày 25/8/1937, đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ V (tháng 3/1938), đồng chí Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã vượt gian nguy để có mặt ở cả 3 miền, chỉ đạo sát sao các cơ sở đảng và phong trào cách mạng của nhân dân ta; chú trọng việc thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương; xây dựng và chỉ đạo các tờ báo của Đảng ta, trong đó có tờ báo “Tin Tức” ở Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, ngày 1/5/1938 Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương đã tổ chức một cuộc mít tinh khổng lồ tới 25 nghìn người tham gia tại khu Đấu Xảo (Hà Nội). Quần chúng nhân dân đã giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, hát quốc tế ca, hô khẩu hiệu, yêu sách về quyền lợi kinh tế, chính trị, tự do, dân chủ và đây là đỉnh cao của cao trào cách mạng (1936 -1939) do Đảng ta lãnh đạo. Mùa thu năm 1938, tình hình Nam Kỳ có nhiều vấn đề phức tạp, một số cán bộ quan trọng của Đảng bị bọn AB chỉ điểm cho mật thám bắt, bọn Tờ rốt kít đẩy mạnh chống phá Đảng. Tháng 7/1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ với bút danh Trí Cường đã viết và cho ấn hành tác phẩm “Tự chỉ trích” đưa ra những nguyên lý tự phê bình và phê bình Mác xít, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn. Tác phẩm “Tự chỉ trích” là một cống hiến về lý luận cách mạng vô cùng to lớn, góp phần to lớn vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, tháng 11/1939 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần 6 ở Bà Điểm (Gia Định), quyết định chuyển hướng nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta là đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Những quyết sách đúng đắn kịp thời của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ nêu trên đã giúp cách mạng nước ta bảo toàn được lực lượng và mở ra thời kỳ vận động giải phóng dân tộc. Ngày 18/1/1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đến cơ quan xuất bản của Đảng ở hẻm Nguyễn Tấn Nghiêm làm việc với các đồng chí Lê Duẩn, Vũ Văn Hiếu, do có chỉ điểm, cả ba đồng chí bị mật thám bắt rồi đưa về Khám lớn Sài Gòn chờ ngày ra tòa xét xử. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn đồng chí Nguyễn Văn Cừ  tại Ngã Ba Giồng, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam, một chiến sĩ cộng sản cộng sản mẫu mực, người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. Với 13 năm hoạt động cách mạng liên tục, 12 năm tuổi Đảng, 7 năm trong nhà tù đế quốc, 2 năm trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời cho độc lập của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

Thiết thực chào mừng 110 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tỉnh Bắc Ninh tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa trong đó có hoạt động Trưng bày tài liệu, hiện vật về thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc. Dự kiến trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng sẽ mở cửa phục vụ nhân dân từ đầu tháng 7/2022. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có những hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng và những cống hiến lớn lao của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đối với Đảng, cách mạng Việt Nam. Qua đó, học tập và phát huy tấm gương yêu nước cách mạng sáng ngời của đồng chí Nguyễn Văn Cừ  trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta hiện nay.

Ngày đăng: 10-06-2022
Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website