KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ PHẠM HÙNG (11/6/1912-11/6/2022)

ĐỒNG CHÍ PHẠM HÙNG- NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT

Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước cách mạng tại ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Từ truyền thống hào hùng của quê hương đất nước, tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách thực dân, đế quốc, người thanh niên trẻ tuổi Phạm Hùng đã sớm nung nấu lòng yêu nước và ý chí cách mạng cứu nước. Năm 16 tuổi, hoạt động trong phong trào thanh niên, học sinh, tham gia tổ chức Nam Kỳ học sinh Liên hiệp hội và Thanh niên cộng sản Đoàn, 18 tuổi trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam Bộ, 19 tuổi đồng chí Phạm Hùng đảm nhận trọng trách Bí thư tỉnh uỷ Mỹ Tho.

Tháng 6-1931, Phạm Hùng bị nhà cầm quyền Đông Pháp bắt và bị tòa án thực dân kết án tử hình, cùng với các nhà cách mạng Lê Quang Sung, Lý Tự Trọng, Lê Văn Lương… trong “vụ án những người cộng sản lúc bấy giờ” ở Sài Gòn. Sống nơi tù ngục tối tăm, nhưng anh Hai Hùng (tên gọi thân mật của đồng chí Phạm Hùng) không hề nao núng tinh thần, trái lại, càng kiên trì chịu đựng, kiên trì học chính trị, học văn hóa, học ngoại ngữ… Anh hoàn toàn đặt niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mà anh rất ngưỡng mộ và cũng đã được đọc và nghiên cứu những tác phẩm của Người. Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta lúc bấy giờ, cùng sự ủng hộ của Mặt trận Bình dân Pháp và các lực lượng tiến bộ ở Pháp, anh được giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai và bị đày đi giam tại Nhà tù Côn Đảo. Trong suốt 15 năm bị giam cầm, Phạm Hùng luôn tỏ rõ bản lĩnh một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, không bao giờ chịu đầu hàng địch

Cách mạng tháng Tám thành công, ra khỏi nhà tù, không một ngày ngơi nghỉ, Đồng chí đã tham gia ngay vào lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam; tháng 10/1945, được bầu vào Xứ uỷ Nam bộ, phụ trách Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc; năm 1947, được cử làm Phó Giám đốc Sở Công an Nam bộ. Năm 1948, Đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Đảng bộ Nam bộ ra Việt Bắc. Tháng 6/1950, đồng chí Phạm Hùng trở lại miền Nam và được Xứ uỷ cử phụ trách Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; tháng 02/1951, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tháng 3/1952, được cử làm Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Phân liên khu uỷ miền Đông kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông Nam bộ.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam được ký kết, Đồng chí được cử làm Trưởng đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban Liên hiệp đình chiến Nam bộ; năm 1955, được cử làm Trưởng phái đoàn đại diện Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh Ủy ban kiểm soát quốc tế tại Sài Gòn.  Tháng 6/1956, Đồng chí được cử làm Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II, được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị; năm 1957, được cử làm Trưởng ban Thống nhất của Trung ương. Tháng 4/1958, tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khoá I, Đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách về kinh tế; tháng 7/1960, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá III (6/1964), tiếp tục được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách kinh tế, tài chính, ngân hàng, nội thương, ngoại thương. Từ năm 1967 đến năm 1975, Đồng chí được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đồng chí được giao trọng trách thay mặt Đảng, Chính phủ lãnh đạo, điều hành các công việc của Đảng và Nhà nước ở miền Nam.

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, khoá VI (6/1976), Đồng chí được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ; tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; năm 1980, được giao trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách nội chính, kiêm Bộ trưởng Nội vụ (nay là Bộ Công an); tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VII (7/1981), tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VIII (6/1987), được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng của Quốc hội, Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII và khóa VIII.

Ngày 10/3/1988, đồng chí đột ngột từ trần trên đường đi công tác ở các tỉnh Nam bộ, để lại niềm tiếc thương, xúc động cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Với 58 tuổi Đảng, 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và hào hùng, đồng chí Phạm Hùng đã nêu một tấm gương mẫu mực về sự kiên trung, bất khuất, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đảng và Nhà nước ta đã tặng đồng chí Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng, chúng ta học tập tấm gương của Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người con ưu tú của dân tộc và quê hương Vĩnh Long với những phẩm chất cao quý: Đó là, ý chí kiên cường, dũng cảm, lạc quan, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là, phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, thực tiễn, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo; làm việc có kế hoạch, có kỷ luật, tâm huyết, trách nhiệm cao với tinh thần “Chúng ta còn sống thì còn lao động và chiến đấu”. Đó là, tình yêu thương con người, đối với đồng chí sống có tình nghĩa, bao dung, vị tha; đối với bản thân thì nghiêm khắc tự phê bình, sẵn sàng tiếp thu ý kiến người khác góp ý; sống giản dị, chân tình; hiếu nghĩa với cha mẹ, quê hương, đất nước; thuỷ chung, mẫu mực, hết lòng chăm lo, thương yêu gia đình.

Phát huy tấm gương yêu nước cách mạng sáng ngời của đồng chí Phạm Hùng, trong giai đoạn hiện nay toàn đảng toàn dân, toàn quân tỉnh Bắc Ninh nói chung và tập thể cán bộ, viên chức, người lao động Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nói riêng đang ra sức thi đua ra sức đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nhân kỷ niệm 110 đồng chí Phạm Hùng, Bảo tàng Bắc Ninh trân trọng giới thiệu một số hình ảnh về cuộc đời hoạt động và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Hùng:

Chân dung Nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (1912-1988)

Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Đồng chí Phạm Hùng do mật thám Pháp chụp ngày 19-12-1932

 Ảnh: Chụp lại từ ảnh tư liệu

 

Bác Hồ, đồng chí Phạm Hùng (bìa trái) và đồng chí Lê Giản, Tổng Giám đốc Nha Công an Trung ương, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ V (1-1950).

Ảnh: Tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng trong giờ nghỉ giải lao tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa II năm 1960.

Ảnh: Báo Nam Định

Gia đình ông Phạm Hùng tại Hà Nội năm 1967.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng (người ngồi đầu bên phải) cùng các đồng chí Lê Đức Thọ, Đại tướng

Văn Tiến Dũng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh Xuân 1975.

 Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13-5-1975.

Ảnh: TTXVN

Đồng chí Phạm Hùng- Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ- bỏ phiếu bầu cử Quốc hội chung cả nước vào ngày 25/4/1976.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng thăm nhân dân Lộc Ninh năm 1977.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng thăm bệnh viện 19-8 Bộ Công an năm 1980.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng thăm và làm việc với trại cải tạo K20 Bến Tre năm 1982.

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng cùng lãnh đạo Bộ Công an đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nội (Xuân Quí Hợi - 1983).

Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Phạm Hùng lúc còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tham dự lễ khánh thành tuyến đường Nhà Bè- Duyên Hải, ngày 28/4/1985.

Ảnh: Baovinhlong.vn

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và đồng chí Phạm Hùng (thứ 4 từ phải sang) tham gia Đoàn Chủ

tịch Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990.

Ảnh: Tư liệu 

Đồng chí Phạm Hùng trò chuyện với các thầy, cô giáo và học sinh dự thi quốc tế các

môn Nga văn, toán và vật lý ngày 17/9/1987.

Ảnh: Tư liệu

                                                                                                      Phòng Nghiệp vụ

 

Ngày đăng: 12-06-2022
Bảo tàng Bắc Ninh
Các bài viết khác

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website