NĂM ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ VIỆT NAM- LÀO NÂNG TẦM HỢP TÁC TOÀN DIỆN

Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam (18/7/1977-18/7/2022), hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Lào 2022”. Bảo tàng Bắc Ninh giới thiệu khái quát quá trình xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước anh em Việt Nam- Lào.

1. Lịch sử mối quan hệ hữu nghị Việt Nam- Lào

Mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa hai quốc gia Việt Nam- Lào được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Quan hệ gắn bó Việt Nam - Lào được hình thành từ trong lịch sử giữa hai nước láng giềng, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, có những điểm tương đồng và sự giao thoa về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Nhân dân hai nước, nhất là ở vùng biên giới, đã thường xuyên nương tựa vào nhau, cưu mang đùm bọc lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày, cũng như mỗi khi có thiên tai, địch họa. Hai nước luôn giữ mối quan hệ bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị, nhân dân hai nước Việt Nam- Lào luôn đồng cảm, liên kết tự nhiên với nhau và tự nguyện phối hợp với nhau trong một sứ mệnh chung đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập, tự do.

 Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt Nam- Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, đã trở thành tài sản vô giá của cả hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của hai nước trên con đường phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc (1930- 1945) nhiều người con ưu tú của nhân dân Lào được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây chính là những “hạt giống đỏ” để từng bước xúc tiến thành lập Xứ bộ Ai Lao của Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Lào. Trên các chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đưa ra những quyết định quan trọng nhằm thắt chặt mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và dẫn đường cho cách mạng hai nước giành thắng lợi. Sự ra đời của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12/10/1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào lên tầm liên minh chiến đấu.

Trong kháng chiến chống ngoại xâm (1945- 1975), ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp ước tương trợ Việt Nam - Lào và Hiệp định về tổ chức liên quân Việt Nam - Lào, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác, giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam- Lào. Với quan điểm “Đông Dương là một chiến trường”, trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù chung của nhân dân hai nước Việt Nam- Lào giai đoạn từ năm 1945- 1975, hai nước đã liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vừa vì lợi ích của mỗi quốc gia. Quan điểm “Chúng tôi coi hạnh phúc và thịnh vượng của anh em Lào cũng như của mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phương châm “giúp bạn là mình tự giúp mình” được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào lĩnh hội, tiếp tục soi rọi trong tiến trình lịch sử của hai dân tộc.

Từ sau năm 1954, tinh thần đoàn kết Việt Nam- Lào càng được hun đúc, tôi luyện khi hai nước hỗ trợ nhau trên các mặt trận quân sự và đối ngoại, làm thất bại âm mưu phá hoại và tiến hành chiến tranh do chủ nghĩa thực dân mới gây ra.

Ngày 5/9/1962 Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, khẳng định sự gắn  bó của hai dân tộc láng giềng Việt Nam- Lào, luôn cùng kề vai sát cánh, gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập tự do dân tộc. Liên minh chiến đấu của quân và dân hai nước Việt Nam- Lào ngày càng được tăng cường và dãy Trường Sơn hùng vĩ với hai nửa Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây đã trở thành hình ảnh sinh động của mối quan hệ keo sơn “hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa” trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng đầy vinh quang, góp phần to lớn giúp nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 tại Việt Nam và Chiến thắng ngày 2/12/1975 tại Lào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966) 

Ảnh: Tư liệu

Một đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào.

(Ảnh: TTXVN)

 

Ngày 18/7/1977, hai nước chính thức ký kết các hiệp ước: Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước nêu rõ: “Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Trong đó Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai bên tiến tới ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này. Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước.

Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước chuyển từ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung, sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Những thành quả từ hợp tác về chính trị, đối ngoại, quốc phòng - an ninh đến hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, hợp tác giữa các địa phương, đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc xây dựng, phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế ở mỗi nước. Chủ tịch Suphanouvong từng khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào- Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho việc tăng cường mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa Việt Nam và Lào”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 19/12/2017, tại Thủ đô Hà Nội.

Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong chuyến thăm và làm việc tại Lào tháng 5/2022.

Ảnh: TTXVN

2. Các chương trình, kế hoạch của Đảng, Nhà nước và tỉnh Bắc Ninh tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Lào (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam- Lào, Lào-Việt Nam (18/7/1977-18/7/2022).

Trải qua chặng đường 60 năm, quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất trên mọi lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tại mỗi nước. Nhằm kỷ niệm những sự kiện quan trọng giữa hai nước trong năm 2022, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, từ ngày 8 đến 10/1/2022, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chính thức phát động “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022”.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

“Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” sẽ được tổ chức với những hoạt động kỷ niệm trang trọng, phong phú, thiết thực và sôi động ở cả hai nước. Trong đó, hai nước chú trọng tổ chức giao lưu thanh niên, sinh viên, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Kể từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều tỉnh thành của Việt Nam và Lào đã hưởng ứng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022 với nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các chuyến thăm hỏi, trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao và ký kết các thỏa thuận hợp tác.

Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào ngày 10/1/2022.

Ảnh:nhandan.vn

Thủ tướng Chính phủ hai nước chứng kiến Lễ ký kết giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào ngày 10/1/2022.

Ảnh:nhandan.vn

Tại tỉnh Bắc Ninh, sáng ngày 20/6/2022, Đoàn đại biểu cấp cao của tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Hủa Phăn, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Hai tỉnh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022-2025, bàn giao dự án Hội trường lớn do tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn (trị giá hơn 90 tỷ đồng) và dự án Trường THPT Phôn Xay do thành phố Bắc Ninh hỗ trợ huyện Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho tỉnh Hủa Phăn; hằng năm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, cấp tối đa 15 suất học bổng cho các em học sinh Hủa Phăn sang học tập tại các trường Cao đẳng công lập trên địa bàn tỉnh, hai bên cùng nhau triển khai nghiêm túc các thỏa thuận cấp cao; nỗ lực tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước nói chung, hai tỉnh nói riêng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang và Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh trưởng tỉnh Hủa Phăn Văn Xay Pheng Xum Ma ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa 2 tỉnh, giai đoạn 2022-2025 ngày 20/6/2022.

Ảnh: bacninh.gov.vn

Lễ cắt băng khánh thành bàn giao công trình Hội trường lớn giữa lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh và Hủa Phăn (Lào) ngày 21/6/2022.

Ảnh: bacninh.gov.vn

Thực hiện sự hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 06/6/2022 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có Hướng dẫn số 46-HD/BTGTU về việc tuyên truyền “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022”, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; trên internet và mạng xã hội; các phương tiện tuyên truyền trực quan; phát hành các ấn phẩm tuyên truyền; tọa đàm, hội thảo; hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên; sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội…; tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam- Lào, Lào- Việt Nam” do Ban Tuyên giao Trung ương chủ trì. Nội dung tuyên truyền về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào và các thành tựu hợp tác của 2 nước trong giai đoạn hiện nay; ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào, Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào và các hoạt động trong “Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022”. Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh hưởng ứng và tổ chức công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền viết tin bài đăng các Trang thông tin điện tử bảo tàng .

“Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022” mang ý nghĩa to lớn là dịp để nhân dân hai nước cùng ôn lại truyền thống, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam từ giai đoạn đấu tranh giải phóng đất nước đến giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước hiện nay để các tầng lớp nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về mối quan hệ thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước; từ đó ý thức rõ được trách nhiệm và thêm quyết tâm trong việc bảo vệ và gìn giữ mối quan hệ vô giá này.

Phòng Hành chính- Tổng hợp

Ngày đăng: 26-06-2022
Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website