QUAN ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH CỦA TỔNG BÍ THƯ
NGUYỄN VĂN CỪ TRONG TÁC PHẨM “TỰ CHỈ TRÍCH”
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ- một trong những Tổng Bí thư trẻ tuổi nhất của Đảng, với 29 tuổi đời, hơn 13 năm hoạt động cách mạng, gần 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, đồng chí đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho Đảng và cách mạng Việt Nam, trong đó có sự đóng góp to lớn về công tác xây dựng Đảng thể hiện ở tác phẩm “Tự chỉ trích” với quan điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định:“Tác phẩm Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ là một cống hiến vô cùng to tớn, góp phần vào cuộc đấu tranh tư tưởng của Đảng, thể hiện một tư duy chính trị uyên bác và nhãn quan trí tuệ cộng sản sáng ngời”.
1. Quan điểm tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích”
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn cách mạng; người cộng sản có tầm nhìn xa rộng, có quyết tâm và nghị lực lớn, một tài năng chính trị kiệt xuất của Đảng ta. Năm 1939, trước nguy cơ phát xít và Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp trở mặt đàn áp phong trào dân chủ, những phần tử tờrốtkít giả danh cách mạng cũng ra mặt chống phá Đảng Cộng sản, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo và tiến hành cuộc đấu tranh kiên quyết, sâu rộng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, nhằm chống bọn tờrốtkít và củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Với bút danh Trí Cường, Tổng Bí thư đã viết và ấn hành tác phẩm “Tự chỉ trích” vào tháng 7/1939. Trong tác phẩm, nổi bật nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình, nhằm làm cho Đảng ta thống nhất về tư tưởng và hành động, thật sự trong sạch, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tác phẩm Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh sưu tầm)
Trong “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ mục đích của tự phê bình và phê bình là: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm ra phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu (cơ hội) thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ, làm như thế không sợ địch nhân đó mà lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc”…
Về nội dung đấu tranh tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư xác định thái độ của Đảng ta trước những thất bại và sai lầm, khuyết điểm. Đó là, “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ”.
Về phương pháp tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa...”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương”. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bônsêvich, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản. Vì trong thảo luận, tiểu số phục tùng đa số, chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người như một để thực hành ý chí ấy”.
Tự phê bình và phê bình phải giữ vững nguyên tắc Lê-nin-nít trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng Đảng. Tổng Bí thư khẳng định: “Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bônsêvich, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, giao mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”. Tổng Bí thư cho rằng: “Phê bình và tự phê bình phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Đối với uy tín của Đảng thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi”.
Về căn cứ xuất phát của tự phê bình và phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ: “Phải đứng về lợi ích, về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi, mạnh mẽ hơn”.
Bằng sự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là tấm gương sáng về nêu cao nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong Đảng, không bao che giấu giếm, thể hiện tính Đảng cao kiên quyết đấu tranh phê phán những quan điểm, khuynh hướng sai trái, tìm phương châm sửa chữa khuyết điểm, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Từ đó góp phần xây dựng cao trào vận động dân chủ Đông Dương những năm 1936-1939. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Tác phẩm “Tự chỉ trích” và một số bài báo trước đó của anh Cừ đã tạo điều kiện cho tư tưởng đúng đắn của Đảng đi sâu vào đông đảo quần chúng cách mạng, nhất là trong tầng lớp trí thức. Tư tưởng công khai tự chỉ trích táo bạo này của anh Cừ đến nay chúng ta phải học tập, phải coi đó là một kinh nghiệm quý”.
2. Học tập quan điểm tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong tác phẩm “Tự chỉ trích”
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong bối cảnh toàn Đảng đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đó là, không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, luôn có niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cách mạng cao đẹp, yêu thương, gần gũi, hòa mình với giai cấp công nhân và nhân dân lao động; không quản ngại gian khổ, hiểm nguy, nỗ lực học tập, rèn luyện, nêu cao tinh thần bảo vệ Đảng, bảo vệ khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, phát huy vai trò tiên phong của Đảng.
(Nguồn ảnh: tuyengiao.vn)
Thành kính và tri ân công lao, đóng góp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần tiếp tục học tập, vận dụng tinh thần, tư tưởng tự phê bình và phê bình nêu trong tác phẩm “Tự chỉ trích” góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức và cán bộ. Đó là: “Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính chúng ta gây ra, chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”. “Phải cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm…”. “Thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”. Phải luôn tự chỉ trích, tự chỉ trích là đấu tranh với chính mình, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói ra sự thật những biểu hiện sai trái của mình, của đồng chí mình trên cơ sở thống nhất một nguyên tắc: cái đúng phải được bảo vệ, được trân trọng, cái sai thì kiên quyết đấu tranh để loại bỏ. Trong sinh hoạt đảng, nhìn vào sự thật, nói ra sự thật và làm đúng sự thật để kịp thời sửa đổi những sai lầm, khuyết điểm; đưa ra những phương hướng và quyết định đúng đắn trong đấu tranh cách mạng, để Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh, ngày càng phát triển đó chính là phương châm và mục đích của tự chỉ trích trong Đảng, đó chính là tự phê bình và phê bình.
Học tập tư tưởng tự phê bình và phê bình của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chi bộ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và các cán bộ, đảng viên đã thực hiện những việc làm thiết thực sau:
Thứ nhất, chi bộ Bảo tàng đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề cho các đảng viên tại khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại khu Phù Khê Thượng, phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn với chủ đề “Học tập những phẩm chất cao quý và tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ- Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Thứ hai, chi bộ Bảo tàng đã quan tâm chỉ đạo các đồng chí đảng viên tích cực nghiên cứu, học tập để hiểu đầy đủ, sâu sắc nội dung ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình trong Đảng trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, nâng cao bản lĩnh chính trị trong sinh hoạt Đảng, trong đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, có ý thức, nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình.
Thứ ba, thực hiện nề nếp, duy trì thường xuyên việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt chi bộ. Trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu, gương mẫu trong thực hiện việc tự phê bình và phê bình.
Thứ tư, Chi bộ đã đề ra những chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Thứ năm, Chi bộ xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, Pháp luật của Nhà nước.
Thứ sáu, các đảng viên trong chi bộ tích cực nêu cao tinh thần học tập, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên trong việc tự phê bình và phê bình. Thực hiện tốt tự phê bình và phê bình sẽ là cơ sở góp phần để Chi bộ Bảo tàng thực hiện thắng lợi nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra và đó cũng là tiền đề để phát huy dân chủ, khơi dậy trí tuệ của từng cán bộ, đảng viên.
Các đảng viên trong chi bộ Bảo tàng nghe thuyết minh trưng bày trong buổi sinh hoạt chuyên đề tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ngày 28/5/2022 (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh)
Hiện nay, sự vận dụng tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là hết sức cần thiết trong hoạt động xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đảng tốt là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt, hơn bao giờ hết chúng ta cần quan tâm thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, xem đây là vấn đề quan trọng, thực hiện một cách thường xuyên, liên tục như việc “rửa mặt” hằng ngày để góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tuyên giáo Trung ương (2022). Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912- 09/7/2022);
2. Nguyễn Văn Cừ (1983). Tự chỉ trích, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội;
3. Nguyễn Văn Thanh (2017). "Tự chỉ trích" - tác phẩm mẫu mực về đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, Báo điện tử Đắk lắk;
4. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội (2012). Nguyễn Văn Cừ- Nhà lãnh đạo xuất sắc, một tấm gương cộng sản mẫu mực.
Nguyễn Thị Lan Anh- Phòng Nghiệp vụ
Các bài viết khác
Ý nghĩa, lịch sử ngày Pháp luật Việt Nam 09-11-2024
Truyền lửa cho hệ trẻ qua triển lãm chuyên đề về anh hùng Hoàng Đăng Miện 05-11-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Tiên Du 04-11-2024
BẢO TÀNG TỈNH BẮC NINH TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ 25-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại thị xã Quế Võ 24-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND – Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Lương Tài 12-10-2024