ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN CỪ - THỜI KỲ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG Ở QUẢNG NINH
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ gắn liền với phong trào cách mạng những năm 1928 - 1930 của công nhân mỏ của tỉnh Quảng Ninh. Thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Đảng, từ cuối năm 1928 đến năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và nhiều thanh niên cách mạng đồng chí Hội thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức đã đi vào nhà máy, hầm mỏ. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ lúc đó lấy tên là Phùng được cử đi “vô sản hóa” tại mỏ than Vàng Danh. Những ngày thực hiện “vô sản hóa” ở đây đồng chí đã thấy rõ khả năng cách mạng của giai cấp công nhân. Đồng chí cũng hiểu sâu sắc thế nào là nô lệ và đã xác định phải sống với công nhân mỏ để quyết tâm phá tan cuộc đời nô lệ ấy.
Một địa điểm thuộc mỏ than Vàng Danh (Quảng Ninh) nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ về “vô sản hóa” cuối năm 1928. (Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh)
Sau khi Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập (6/1929) đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành đảng viên của Đảng, được cử làm nhiệm vụ kiểm tra, giúp đỡ các chi bộ Đảng trong vùng mỏ. Lúc này đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới 17 tuổi. Tại Cẩm Phả - Cửa Ông, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã uốn nắn những lệch lạc về công tác vận động nông dân, nhờ đó phong trào đã có sự chuyển biến nhanh và mạnh. Tháng 10 năm 1929, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đến mỏ Mạo Khê để gây lại cơ sở cách mạng, nhưng vẫn làm nhiệm vụ phụ trách cả vùng mỏ. Đầu tháng 11 năm 1929, đồng chí đến Cẩm Phả, Cửa Ông để trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức kỷ niệm Cách mạng tháng mười Nga. Phong trào cách mạng ở vùng mỏ ngày càng phát triển, nhiều nơi đã có Công hội đỏ, có cốt cán vững vàng. Đầu năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thành lập chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng mỏ Mạo Khê. Báo “Than” do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp chỉ đạo và là người biên tập chính, đã được xuất bản và phát hành rộng rãi trong vùng mỏ.
Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của khu mỏ Mạo Khê do đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập vào cuối tháng 2/1930, mở đầu cho thời kỳ thành lập các chi,
đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại vùng mỏ than Đông Bắc.(Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm)
Dưới sự lãnh đạo của Đặc khu mỏ và đồng chí Nguyễn Văn Cừ, phong trào công nhân vùng mỏ lên mạnh, nhiều cuộc đấu tranh bùng nổ: đồng chí đã trực tiếp tổ chức và chỉ đạo toàn vùng mỏ đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Cờ đỏ búa liềm phấp phới bay trên đỉnh núi Bài Thơ- Cẩm Phả và nhiều nơi khác trong vùng mỏ.
Núi Bài Thơ- nơi cắm cờ Đảng vào ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. (Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh)
Sau cuộc đấu tranh ấy, bọn thực dân Pháp đã tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng vùng mỏ. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã bị chúng bắt trên đường đi công tác từ Cẩm Phả đến Hồng Gai (Hòn Gai). Trong những năm bị cầm tù, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã biến nhà tù của Đế quốc thực dân thành trường học của cách mạng, đồng chí đã trở thành một trong những nhà lý luận trẻ tuổi và xuất sắc của Đảng ta.
Tháng 9 năm 1936, do thắng lợi của phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp và chính phủ của mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, do phong trào đấu tranh của nhân dân ta, thực dân Pháp đã phải thả tù chính trị. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ lại tiếp tục con đường hoạt động cách mạng.
Được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh của quần chúng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trở thành một chiến sĩ cộng sản ưu tú, Tổng Bí thư xuất sắc của Đảng ta. Đồng chí đã chiến đấu trọn đời cho lý tưởng cộng sản cao đẹp, cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta.
Những cống hiến lớn lao đối với Đảng ta, dân tộc ta, tấm gương đạo đức cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã ghi dấu tại các địa điểm của vùng mỏ than Quảng Ninh trong thời kỳ đồng chí hoạt động cách mạng ở đây.
Năm 2012, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã cử một đoàn cán bộ nghiên cứu ra vùng mỏ Quảng Ninh để sưu tầm tài liệu, hiện vật liên quan đến đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Với sự giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, phục chế được nhiều tài liệu hiện vật quý liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Đó là những hình ảnh về các địa điểm đồng chí từng đến hoạt động; những dụng cụ dùng cho công nhân mỏ khai thác than, các trang bị nghèo nàn của công nhân mỏ đương thời như quần áo cộc bằng vải bao gai, đèn mỏ, bát ăn cơm.... Những hiện vật, tài liệu, hình ảnh này đã minh chứng quá trình hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong thời kỳ “vô sản hóa” tại vùng mỏ than Đông Bắc nước ta.
Lê Hồng Ngân Phòng Hành chính- Tổng hợp
Các bài viết khác
KHAI MẠC TRƯNG BÀY CHUYÊN ĐỀ “DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH TRƯỜNG TỒN VÀ LAN TỎA 09-09-2024
công khai bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách quý 2/2024 của Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh 30-08-2024
Đưa văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc thấm sâu vào đời sống 28-08-2024
Khơi dậy giá trị văn hóa và phẩm chất tốt đẹp con người Bắc Ninh trong kỷ nguyên số 28-08-2024
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: Người Anh cả của Quân đội, văn võ sáng giữa lòng dân 25-08-2024
Di chúc Bác Hồ 23-08-2024
Đại hội Chi đoàn Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2024 - 2027 21-08-2024
Ý nghĩa thắng lợi lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 19-08-2024
Dâng hương tưởng niệm đồng chí Lê Quang Đạo 08-08-2024