Vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Cừ trong việc chuyển hướng chiến lược
cách mạng Việt Nam (1936-1939)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người có tầm nhìn chiến lược, một tấm gương cao đẹp về đạo đức cách mạng. Giai đoạn 1938 -1939, đồng chí đã có những chỉ đạo thay đổi chiến lược cách mạng, tạo ra bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Khi nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề thay đổi chiến lược của Đảng. Đồng chí đã viết một số bài đăng trên báo Dân chúng như: “Chung quanh vấn đề Nhật chiếm Hải Nam”; “Cùng ông Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm báo Tự do”… Trong các bài báo đó, Đồng chí đã phân tích tình hình, vạch rõ nguy cơ chiến tranh phát xít ở châu Á và Đông Dương, đồng thời kêu gọi nhân dân đẩy mạnh đấu tranh hơn nữa để chống chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa phát xít. Đầu tháng 9/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ triệu tập và chủ trì Hội nghị mở rộng Xứ ủy Bắc Kỳ, phổ biến tình hình và quyết định rút một số cán bộ vào hoạt động bí mật, phân công một số cán bộ Xứ ủy và thành ủy Hà Nội đi xây dựng căn cứ ở các địa bàn chiến lược, chuẩn bị cơ sở cho cuộc đấu tranh vũ trang khi có điều kiện.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 6/11/1939 Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định). Trên cơ sở thống nhất những nhận định và xác định nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn cách mạng mới, Hội nghị chủ trương tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào nhiệm vụ chủ yếu là chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa. Khẩu hiệu ruộng đất về tay dân cày lúc này tạm gác lại, chính sách đề ra là chỉ tịch thu ruộng đất của đế quốc và những địa chủ phản bội quyền lợi của dân tộc. Khẩu hiệu thành lập chính quyền Xô viết công nông binh được thay thế bằng thành lập chính quyền dân chủ cộng hòa. Để phù hợp với tính chất cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.
Quyết định thay đổi chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Hội nghị Trung ương 6 là rất đúng đắn, sáng suốt, thể hiện tư duy chính trị nhạy bén, năng lực sáng tạo lớn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tính kịp thời và đúng đắn về chủ trương thay đổi chiến lược của Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) đã được Trung ương Đảng khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và bổ sung, hoàn thiện tại Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Nhờ đó, phong trào cách mạng Việt Nam có bước phát triển mới mạnh mẽ, tiến tới giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhà ông Hai Hy (Trần Văn Hy) xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định, nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VI.
(Nguồn: Khu di tích lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ)
Nguyễn Hoàng Nam (tổng hợp)
Các bài viết khác
Ý nghĩa, lịch sử ngày Pháp luật Việt Nam 09-11-2024
Truyền lửa cho hệ trẻ qua triển lãm chuyên đề về anh hùng Hoàng Đăng Miện 05-11-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Tiên Du 04-11-2024
BẢO TÀNG TỈNH BẮC NINH TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ 25-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại thị xã Quế Võ 24-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND – Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Lương Tài 12-10-2024