Đồng chí Nguyễn Văn Cừ với báo “Dân chúng”

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay từ những bước đầu tiên của cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của báo chí đối với việc giác ngộ, tổ chức quần chúng, tuyên truyền đường lối đấu tranh và là thứ vũ khí sắc bén tấn công kẻ thù.

Trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã rất chú trọng chỉ đạo công tác báo chí của Đảng. Đặc biệt, dựa vào phong trào cách mạng của quần chúng đang phát triển mạnh mẽ ở trong nước và sự ủng hộ của nhân dân Pháp, đồng thời dựa vào đạo luật về tự do báo chí của nghị viện Pháp ban hành ngày 29/7/1881 đã trở thành cơ sở pháp lý ở Nam kỳ lúc đó, tháng 4/1938, hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hà Huy Tập đã thay mặt Trung ương Đảng quyết định cho phát hành báo Dân chúng là cơ quan ngôn luận của Đảng. Đây là tờ báo công khai bằng tiếng Việt đầu tiên được xuất bản không theo đúng luật “tự do báo chí” của chính quyền thực dân Pháp. Trong hơn một năm tồn tại, Báo Dân chúng ra được tất cả 80 số, được đánh giá là tờ báo ra được nhiều số, đứng thứ ba trong toàn bộ lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam trước tháng 8/1945; là tờ báo được vinh dự đăng bài đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cho báo trong nước trong thời kỳ vận động dân chủ; là tờ báo in với số lượng cao nhất, có nhiều bạn đọc nhất trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Báo Dân chúng xuất bản năm (1938-1939), đồng chí Nguyễn Văn Cừ có nhiều bài đăng trên báo lên án bọn phản động Tờrốtkít

(Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm)

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp chỉ đạo việc xuất bản báo Dân chúng trong thời kỳ đầu và viết  11 bài về các vấn đề lý luận và chính trị:

- Phê bình bài trả lời cho nhựt báo của ông Hải Phong (Dân chúng số 10 ngày 24/8/1938)

- Đại hội của Hội quốc tế hòa bình chống chiến tranh xâm lược (Dân chúng số 12 ngày 31/8/1938)

- Nhân dân xứ này đối với Hội đồng quản hạt (Dân chúng số 17 ngày 17/9/1938)

- Những thái độ sai lầm của mấy ông dân biểu Bắc Kỳ (Dân chúng số 22 ngày 05/10/1938)

- Mấy lời của độc giả xã luận (Dân chúng số 22 ngày 05/10/1938)

- Cùng ông Nguyễn Văn Sâm chủ nhiệm báo Tự do  (Dân chúng số 23 ngày 08/10/1938)

- Sự tấn công của Nhựt ở Hoa Nam và tình thế Viễn Đông (Dân chúng số 26 ngày 19/10/1938)

- Mười năm Quảng Châu công xã  (Dân chúng số 36 ngày 10/12/1938)

- Tôn giáo và xã hội loài người (Số Xuân năm 1939)

- Chung quanh vấn đề Nhựt chiếm đảo Hải Nam (Dân chúng số 51 ngày 03/03/1939)

- Mặt trận dân chủ với Mặt trận công nông trong vụ tuyển cử Hội đồng quản hạt (Dân chúng số 52 ngày 07/03/1939).

Báo “Dân chúng”, số 10 ngày 24/8/1938 (Nguồn: Sách Nguyễn Văn Cừ, Nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam)

Qua tiêu đề của các bài báo nói trên, cho thấy đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đề cập tới nội dung của nhiều vấn đề rất thời sự trong bối cảnh lịch sử lúc đó.  Bằng các lập luận chặt chẽ, sắc bén, các bài báo do Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ viết đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp, thức tỉnh lòng yêu nước của dân tộc, qua đó giác ngộ, tuyên truyền, tập hợp nhân dân đứng lên đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ cùng với những hình thức đấu tranh phong phú khác, báo chí cách mạng đã góp phần đắc lực trong phong trào vận động dân chủ những năm 1936-1939, tạo nên một phong trào cách mạng sôi nổi của nhân dân ta, tạo tiền đề cho Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi./.

 

Ngày đăng: 14-07-2022
Bùi Thị Bích Huệ- Phòng Nghiệp vụ

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website