BÔ SƯU TẬP HUÂN, HUY CHƯƠNG

CỦA ANH HÙNG - LIỆT SĨ NGUYỄN THANH KHƯƠNG

 

Trong kho cơ sơ của Bảo tàng Bắc Ninh hiện đang lưu giữ bộ sưu tập hiện vật quý Huân, Huy chương của Anh hùng, Liệt sĩ Nguyễn Thanh Khương.

Nguyễn Thanh Khương sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại thôn Tỉnh Ngô, xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông nội anh là Nguyễn Văn Dực, từng là Bí thư chi bộ xã Bình Định những năm 1947-1949, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Bố anh là Nguyễn Văn Tường, cán bộ xã Bình Định những năm 1960, có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mĩ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba. Mẹ anh là Nguyễn Thị Bột, nguyên cán bộ phụ nữ của huyện Gia Lương (nay là Lương Tài), được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng ba do có nhiều thành tích trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước cách mạng, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ của dân tộc ta đang trong giai đoạn ác liệt nhất. Năm 1969, khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thanh Khương đã tự nguyện viết đơn bằng máu xin được đi bộ đội để đánh Mĩ cứu nước. Vào quân ngũ, anh được biên chế vào đơn vị C3D458E (Đại đội 1 Bộ binh, Tiểu đoàn 70 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng). Từ năm 1970 đến năm 1975, Nguyễn Thanh Khương đã tham gia 29 trận đánh, nhiều lần lập chiến công xuất sắc; là đảng viên, Chính trị viên, Phó Đại đội 1 Bộ binh, Tiêu đoàn 70 bộ đội tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Có lần Nguyễn Thanh Khương dẫn tiểu đội đi kéo pháo, khi vượt qua một bãi biển trống trải, các chiến sĩ của ta bị một đại đội Mĩ bao vây, phục kích. Trong tình thế vô cùng nguy hiểm, Nguyễn Thanh Khương đã bình tĩnh chỉ huy anh em triển khai lực lượng, bới cát làm công sự, chiến đấu ngoan cường, đánh bật nhiều đợt tấn công của giặc. Khi chúng gọi thêm 3 xe tăng chi viện, Nguyễn Thanh Khương vẫn bình tĩnh chỉ huy tiểu đội sẵn sàng chiến đấu. Đợi cho chúng đến thật gần, anh mới ra lệnh cho đồng đội nổ súng và đã tiêu diệt tại chỗ 3 xe tăng địch, chiến đấu ngoan cường và đã giành thắng lợi. Trong trận chiến đấu ác liệt khác nhằm tiêu diệt cứ điểm Đồi Ông Cầm (ở bắc Tam Kỳ), do kế hoạch của ta bị lộ nên địch đã tổ chức vây hãm và dùng nhiều hỏa lực hòng tiêu diệt bằng được quân ta. Đồng đội lúc này bị thương vong rất nhiều mà địch thì vẫn dùng hỏa lực bắn như mưa đạn về phía quân ta. Nguyễn Thanh Khương đã không ngại nguy hiểm, thoăn thoắt sử dụng nhiều loại vũ khí để chiến đấu với giặc. Lúc thì anh dùng súng B40 để tiêu diệt hỏa lực địch, khi xung quanh không còn ai đánh bộc phá, anh bỏ súng B40 xuống rồi lao lên chộp ống bộc phá đánh liên tiếp cắt đứt 6 lớp rào của địch rồi nhanh chóng dùng thủ pháo tiêu diệt khẩu đại liên của địch trong lô cốt đang liên tiếp nhả đạn. Khi địch tổ chức phản kích, trước tình thế gay go, anh đã mưu trí, dũng cảm dùng lựu đạn và súng AK đánh bận hai đợt phản công của địch, tạo điều kiện cho các mũi tấn công phía sau của ta lao lên đánh chiếm toàn bộ căn cứ, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ đại đội biệt động của địch. Trong một trận đánh khác, hai lần bị thương ngất đi, khi tỉnh dậy, Nguyễn Thanh Khương lại tiếp tục chi huy đơn vị chiến đấu tiêu diệt địch. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nguyễn Thanh khương đã chỉ huy đơn vị đánh 5 trận, tiêu diệt 2 đại đội, 1 trung đội với hàng trăm tên địch, riêng anh tiêu diệt 62 tên, thu được 9 khẩu súng trong đó có 2 khẩu đại liên và một vô tuyến điện.

Nguyễn Thanh Khương không chỉ dũng cảm, mưu lược trong chỉ huy và chiến đấu, anh còn là “con chim đầu đàn” trong công tác vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến đấu, luôn tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra các sáng kiến cải tiến nhằm vận chuyển hàng hóa đạt năng xuất cao nhất. Đặc biệt, anh còn là người cán bộ hết lòng thương yêu đồng đội, có lần trong một trận chiến đấu, bản thân anh bị thương nhưng vẫn gắng gượng đi bộ, để nhường cáng cho anh em khác. Tấm lòng nhân hậu, hết lòng vì đồng đội của anh được anh em trong đơn vị hết lòng ca ngợi.

Với những thành tích vô cùng dũng cảm, mưu lược, Nguyễn Thanh Khương đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, 02 lần được phong danh hiệu Chiến sĩ thi đua , 02 lần phong là Dũng sĩ diệt Mỹ , 07 bằng khen và giấy khen các loại. Ngày 12 tháng 9 năm 1975, Nguyễn Thanh Khương đã được Nhà nước tuyên dương và phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Mặc dù chiến tranh đã kết thúc, đất nước đã hoàn toàn độc lập, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để bảo vệ chính quyền cách mạng và khắc phục hậu quả chiến tranh. Tháng 6 năm 1977, với cấp bậc Thiếu úy, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 70  bộ đội tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng, Nguyễn Thanh Khương được cử đến Cù Lao Chàm để làm nhiệm vụ. Ngày 27 tháng 6 năm 1977, tại đảo Cù Lao Chàm, trong khi đang chỉ huy đơn vị nổ mìn đào công sự, Nguyễn Thanh Khương đã anh dũng hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng đội, bà con cô bác, gia đình và dòng họ.

Nhằm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, năm 2001, qua công tác sưu tầm tài liệu hiện vật của Bảo tàng Bắc Ninh, gia đình Anh hùng Nguyễn Thanh Khương đã hiến tặng bộ Huân Huy chương của anh cho Bảo tàng. Đây là những kỷ vật quý giá, minh chứng cho những chiến công anh dũng, bất khuất của anh, giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết sâu sắc hơn giá trị của độc lập, để luôn ghi nhớ, tri ân công lao của các anh hùng liệt sỹ, những người đã hy sinh thân mình đem lại cuộc sống hòa bình ngày hôm nay.

Ảnh chân dung và Bộ sưu tập Huân, Huy chương

 của Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Nguyễn Thanh Khương

 

Ngày đăng: 25-07-2022
Bảo tàng Bắc Ninh

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website