ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG- NHÀ LÃNH ĐẠO TÀI NĂNG XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

 

          Đồng chí Võ Chí Công là hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường, chiến đấu và trưởng thành từ cơ sở. Gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và của dân tộc, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn, sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Võ Dương, một nhà nho yêu nước, một đảng viên Cộng sản được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thân, một người nông dân thuần phác, đôn hậu, ủng hộ cách mạng nhiệt thành.

Chân dung đồng chí Võ Chí Công

Tháng 5/1930, đồng chí bắt đầu tham gia phong trào cách mạng, đến tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).Tháng 3/940, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, đồng chí được cử vào xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên. Năm 1942, đồng chí được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh vùng Nam Trung Bộ. Năm 1943, đồng chí bị địch bắt, bị kết án chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù, giam ở nhà lao Hội An, sau bị đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột. Tháng 3/1945, sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được ra tù, trở về Quảng Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam.Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, đồng chí là ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Chính trị viên Trung đoàn 93. Năm 1946, làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra quân khu V. Năm 1951, Bí thư Ban cán sự Đông Bắc Miên (Campuchia), Khu ủy viên khu V.Năm 1952, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Đầu năm 1954, đồng chí ra Bắc và được phân công là đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đồng chí được phân công trở lại khu V, làm Phó Bí thư Khu ủy khu V (1955 - 1958).

Đồng chí Võ Chí Công (phải) ở chiến trường khu V (ảnh tư liệu, QĐND)

Tháng 9-1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Bí thư Khu ủy khu V. Năm 1961, khi Trung ương Cục miền Nam được thành lập, đồng chí được Bộ Chính trị điều động vào Nam Bộ làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 3/1962, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và là đại diện của Đảng trong Mặt trận. Tháng 1/1964, Bộ Chính trị điều động đồng chí về khu V, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư và Chính ủy khu V.Là người giữ chức vụ cao nhất ở Khu V, đồng chí được coi là linh hồn của phong trào cách mạng Khu V. Là người thực tiễn, sâu sát với phong trào cách mạng, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu V vượt qua những giai đoạn khó khăn, đưa các mạng Khu V đi đến những thắng lợi cuối cùng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân Khu V sát cánh cùng các cánh quân chủ lực giải phóng Tây Nguyên, Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải miền Trung, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo đà thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước), Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng; sớm thể hiện sự tìm tòi đổi mới tư duy về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; trân trọng, ủng hộ những sáng kiến của cán bộ, nhân dân và các địa phương; cùng tập thể Trung ương lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban cải tạo Nông nghiệp miền Nam. Tháng 4/1981, đồng chí được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6/1986, đồng chí được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đồng chí Võ Chí Công phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 8,
sáng 17/6/1987, tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). 

Tháng 4/1987, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (6/1991) và khóa VIII (6/1996) đến Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (12/1997). Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, và VIII.

Đồng chí Võ Chí Công từ trần ngày 8/9/2011, tại thành phố Hồ Chí Minh trong niềm tiếc thương vô hạn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Với gần 80 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời của đồng chí Võ Chí Công gắn liến vời sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng chí đã phấn đấu trọn đời mình và có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân Chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí là tấm gương cao đẹp của một người cộng sản mẫu mực, là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban lễ tang đọc lời điếu tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: TTXVN 

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, gắn với việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta học tập và noi theo đồng chí Võ Chí Công, người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Quảng Nam với những phẩm chất cao quý.

 Thành kính tưởng nhớ và tri ân công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Ngày đăng: 28-07-2022
PHÒNG HÀNH CHÍNH - TỔNG HỢP

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website