NHỮNG CỐNG HIẾN CỦA ĐỒNG CHÍ LÊ QUANG ĐẠO VỚI VIỆC

ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI, XÂY DỰNG HIẾN PHÁP VÀ PHÁP LUẬT

 

Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 08/8/1921, tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Với 78 tuổi đời, hơn 60 năm hoạt động cách mạng đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách như: Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh Bắc Ninh, Phúc Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Bí thư Liên tỉnh ủy Hà Nội- Hà Đông; Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... trên cương vị công tác nào, đồng chí cũng cống hiến hết mình góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng chí là "nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta," "tấm gương người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Năm 1987, khi tình hình thế giới có nhiều biến đổi sâu sắc, phức tạp, đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng và nhân dân tín nhiệm trao cho trọng trách Chủ tịch Quốc hội khóa VIII. Trong 6 năm giữ cương vị chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1987-1993), đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, chú trọng vai trò lập hiến và lập pháp của Quốc hội để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng bằng pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước, phục vụ cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Là người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, đồng chí Lê Quang Đạo hiểu rõ bối cảnh lịch sử đã bám sát đường lối của Đảng, khẩn trương tổ chức bộ máy, hoạch định các kế hoạch, phương án và kiên quyết chỉ đạo Quốc hội năng động, sáng tạo thực thi các chức năng của mình trên tinh thần đổi mới.

Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đọc diễn văn khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII ngày 18/6/1987.

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

Sau khi vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã trả lời phỏng vấn các báo chí trong nước về nhiệm vụ của Quốc hội khóa VIII phải làm gì để đổi mới hoạt động, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, thực hiện quyền làm chủ thật sự của nhân dân. Đồng chí nói: “Quốc hội phải là cơ quan tiêu biểu nhất của nước ta về hiệu lực của quyền lực và thực chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Quốc hội khóa VIII sẽ phấn đấu để thực hiện đầy đủ, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo như Hiến pháp và luật định, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động bằng nhà nước của mình. Quốc hội phải làm việc có hiệu quả đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, ổn định dần tình hình kinh tế- xã hội nước ta” [1].

 

Báo Đại đoàn kết số 13 ra ngày 1/7/1987 đưa tin về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII từ ngày 17- 22/6/1987.

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

 

Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội khóa VIII (1987-1992) đã trải qua 11 kỳ họp. Trong 11 kỳ họp đó, đồng chí chủ trì các phiên họp trù bị với các trưởng đoàn đoàn biểu Quốc hội, thông báo về nội dung và cách làm việc của kỳ họp; phát biểu khai mạc, điều hành các phiên họp toàn thể, báo cáo một số chuyên đề và phát biểu bế mạc kỳ họp [2].

 

 

Bản viết tay của chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo về cuộc họp với các trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội

tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa VIII ngày 21/6/1988.

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh 

Với quan điểm Quốc hội phải xem việc làm luật như một công trình khoa học trong việc xây dựng pháp luật, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội đồng chí Lê Quang Đạo đã tổ chức thông qua 2 bộ luật, 25 đạo luật [3] và 40 pháp lệnh nhiều hơn cả 7 khóa trước cộng lại. Việc ban hành nhiều luật và pháp lệnh đã góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp đổi mới, tác động tích cực đối với nhiều lĩnh vực xã hội, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế, giữ gìn kỷ cương xã hội. Nhiều luật, pháp lệnh đã làm thay đổi cơ bản sự phát triển kinh tế của đất nước như luật đất đai, xác định nghĩa vụ và những quyền hạn cụ thể của người dân đối với đất đai, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, góp phần đưa nước ta từ chỗ thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong việc xây dựng hiến pháp và pháp luật đồng chí luôn giữ vững quan điểm làm thế nào để luật pháp Việt Nam thực sự phản ánh được nguyện vọng ý chí của nhân dân. Lấy quyền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân làm thước đo đó chính là mục tiêu hoạt động lập pháp của đồng chí Lê Quang Đạo.

Trong thời kỳ bước ngoặt của đất nước, trước những biến đổi nhanh chóng, bất lợi của tình hình thế giới, là người đứng đầu Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã quyết tâm chỉ đạo nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng bằng Hiến pháp, pháp luật, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ quan Nhà nước và đổi mới các mặt hoạt động của Quốc hội, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Với tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật đồng chí đã tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở trong các cuộc họp của Quốc hội. Đồng chí không chỉ trực tiếp lắng nghe các đại biểu Quốc hội chất vấn, mà còn khuyến khích các đại biểu nói lên sự thật, tôn trọng ý kiến khác nhau của mỗi người, phát huy được trí tuệ của tập thể để xây dựng và giải quyết những vấn đề quan trọng. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội khóa VIII cũng đã có nhiều cố gắng chú trọng hơn đến chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là những vấn đề nóng bỏng, cấp bách về kinh tế-xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

 

 

Toàn cảnh kỳ họp thứ mười một Quốc hội khóa VIII diễn ra từ ngày 24/3- 15/4/1992

(Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đang đứng phát biểu).

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

Để thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng bằng hiến pháp và pháp luật. Đồng chí Lê Quang Đạo đã dành nhiều công sức vào việc chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1992. Trên cơ sở sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện Hiến pháp năm 1980 cho phù hợp với tình hình cách mạng mới và tinh thần của cương lĩnh 1991 của Đảng. Hiến pháp năm 1992 đã đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, của nhân dân trong giai đoạn mới, tạo điều kiện cho phát triển, mang lại những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của nhân dân ta trong giai đoạn mới, tạo điều kiện cho nước ta đi vào kinh tế thị trường mang lại nhiều thành tựu cho những năm sau này.

Báo Tuổi trẻ ra ngày 24/9/1992 có bài trao đổi giữa phóng viên báo Tuổi trẻ và đồng chí Lê Quang Đạo.

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ (9/1992) về vấn đề nào là then chốt trong việc đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa IX, đồng chí Lê Quang Đạo- Đại biểu Quốc hội khóa IX nói: “Có ba vấn đề then chốt: Một là, đi đôi với tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, cần gấp rút kiện toàn tổ chức, đổi mới hoạt động của các hội đồng và các ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, nhất là bộ phận hoạt động chuyên trách. Phải tạo điều kiện vật chất, phương tiện làm việc cần thiết cho hoạt động của Quốc hội và cho các đại biểu Quốc hội. Hai là, phải huy động được nhiều nhân tài của cả nước không phải là đại biểu Quốc hội tham gia giúp Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực cần thiết bằng các hình thức cố vấn, chuyên gia, v.v.. Ba là, mỗi kỳ họp Quốc hội phải được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tài liệu phải được gửi sớm cho các đại biểu, chậm nhất là 20 ngày để các đại biểu có đủ thời gian nghiên cứu và hỏi ý kiến cử tri. Làm sao trong thời gian họp Quốc hội, chỉ dành chủ yếu cho việc thảo luận, tranh luận những vấn đề quan trọng nhất còn có ý kiến khác nhau” [4].

 

Giấy chứng nhận trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa IX của đồng chí Lê Quang Đạo năm 1992.

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

Đồng chí Lê Quang Đạo tại kỳ họp thứ mười một Quốc hội khóa IX.

Nguồn: Bảo tàng Bắc Ninh

Với những cống hiến lớn lao đó, Đảng ta đã khẳng định đồng chí Lê Quang Đạo “đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc và toàn diện về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong việc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhất là đẩy mạnh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý đất nước bằng pháp luật, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (2011), Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
  2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2016), Lê Quang Đạo tiểu sử, NXB Chính trị- Hành chính, Hà Nội.
  3. Lê Quang Đạo Tuyển tập (2011), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Lê Quang Đạo 1921-1999 (2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
  5. Nguồn ảnh tư liệu: Bảo tàng Bắc Ninh

 

 

 [1]  Lê Quang Đạo: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.474.
 [2] 11 kỳ họp của Quốc hội khóa VIII:
- Kỳ họp thứ nhất: Từ ngày 18 đến ngày 22-6-1987;
- Kỳ họp thứ hai:Từ ngày 23 đến ngày 28-12-1987;
- Kỳ họp thứ ba: Từ ngày 22 đến ngày 28-6-1988;
- Kỳ họp thứ tư: Từ ngày 13 đến ngày 21-12-1988;
- Kỳ họp thứ năm: Từ ngày 17 đến ngày 30-6-1989;
Kỳ họp thứ sáu: Từ ngày 18 đến ngày 28-12-1989;
- Kỳ họp thứ bảy: Từ ngày 14 đến ngày 30-6-1990;
- Kỳ họp thứ tám: Từ ngày 5 đến ngày 20-12-1990;
- Kỳ họp thứ chín: Từ ngày 27-7 đến ngày 10-8-1991;
- Kỳ họp thứ mười: Từ ngày 10 đến ngày 26-12-1991;
Kỳ họp thứ mười một: Từ ngày 24-3 đến ngày 15-4-1992.

[3] Đó là các luật: Luật đất đai (ban hành ngày 8-1-1988); Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ban hành ngày 9-1-1988); Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch (ban hành ngày 11-1-1988); Luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ban hành 9-7-1988); Luật quốc tịch Việt Nam (ban hành ngày 9-7-1988); Luật sửa đổi bổ sung Luật tổ chức tòa án nhân dân, Luật sửa đổi bổ sung Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (ban hành ngày 4-1-1989); Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (ban hành ngày 11-7-1989); Luật báo chí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (ban hành ngày 2-1-1990); Luật Công đoàn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ban hành ngày 7-7-1990); Bộ Luật hàng hải Việt Nam (ban hành ngày 12-7-1990); Luật thuế doanh thu, Luật thuế lợi tức, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (ban hành ngày 8-8-1990); Luật Công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (ban hành ngày 2-1-1999); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật phổ cập giáo dục tiểu học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự (ban hành ngày 16-8-1991); Luật bảo vệ và phát triển rừng (ban hành ngày 19-8-1991); Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (ban hành ngày 4-1-1992); Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật tổ chức Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ban hành ngày 18-4-1992).

[4] Lê Quang Đạo: Tuyển tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.560-561.

 

Ngày đăng: 08-08-2022
Nguyễn Thị Lan Anh Phòng Nghiệp vụ

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website