ĐỒNG CHÍ LÊ HỒNG PHONG- NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN CƯỜNG, GƯƠNG Hy SINH BẤT KHUẤT

Lê Hồng Phong, tên thật Lê Huy Doãn, sinh ngày 06 tháng 09 năm 1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sau khi học xong sơ yếu lược thì cha mất, Lê Hồng Phong đã rời làng xuống thị xã Vinh làm nhiều nghề như thư ký, đi buôn, rồi vào làm công nhân ở nhà máy Diêm- Bến Thủy. Trong thời gian này, Lê Hồng Phong được tiếp xúc với những sách báo tiến bộ, thấy được nỗi cơ cực của người dân mất nước. Vì vậy, Lê Hồng Phong đã sớm hòa nhập vào phong trào công  nhân Vinh - Bến Thủy.

Đồng chí Lê Hồng Phong năm 1935.

(Nguồn: Ảnh tư liệu)

 

Đầu năm 1924, Lê Hồng Phong đã cùng với một số người bạn của mình tìm đường xuất dương sang Thái Lan, đến Trại Cày của Đặng Thúc Hứa. Tại đây được sự giúp đỡ của cụ Đặng, Lê Hồng Phong và 6 người bạn nữa đã tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc và gia nhập vào tổ chức “Tâm Tâm xã”.

Tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trở về Quảng Châu hoạt động, người đã chọn ngôi nhà số 13 đường Nguyễn Văn Minh làm nơi ở, hoạt động và mở lớp đào tạo cho những thanh niên Việt Nam yêu nước trong đó có Lê Hồng Phong.

Thời gian này, Lê Hồng Phong đang theo học tại trường quân sự Hoàng Phố và trường Hàng không Quảng Châu. Vào ngày 10/2/1926, Lê Hồng Phong được kết nạp vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Với kết quả học tập xuất sắc, Lê Hồng Phong tiếp tục được cử sang học ở trường Lý luận quân sự Leningrat và trường đào tạo phi công quân sự số 2 ở Goolepxkiơ. Sau khi đào tạo phi công, đồng chí Lê Hồng Phong lại được cử sang học tại trường đại học Phương Đông trong 3 năm (1928-1931). Tại đây, đồng chí Lê Hồng Phong đã được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô.

Sau khi tốt nghiệp, Lê Hồng Phong được Quốc tế cộng sản bí mật cử về nước để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.

Tháng 3/1934, Hội nghị Ban chấp hành ở ngoài của Đảng được thành lập, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Bí thư.

Tháng 3/1935, đại hội Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại Ma Cao, Trung Quốc và đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Ma cao (Trung Quốc) - nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất của Đảng (27-31/3/1935). Tại Đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư.

(Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát)

Tháng 7/1935, đại hội VII, Quốc tế cộng sản diễn ra ở Matxcơva. Đoàn đại biểu Việt Nam do đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu tham dự. Đại hội công nhận Đảng ta là Chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản và bầu đồng chí Lê Hồng Phong là Ủy viên Ban Chấp hành của Quốc tế cộng sản.

Thẻ đại biểu Đại hội VII Quốc tế Cộng sản của đồng chí Lê Hồng Phong.

(Nguồn: Ảnh tư liệu)

 

Tháng 7/1936, đồng chí về Thượng Hải, triệu tập và chủ trì Hội nghị với các đồng chí trong Ban Chỉ huy ở ngoài bàn về công tác tổ chức của Đảng và đường lối đấu tranh trong tình hình mới sau Đại hội VII Quốc tế Cộng sản.

Trước yêu cầu của phong trào cách mạng trong nước, vào cuối năm 1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về Sài Gòn lãnh đạo phong trào cách mạng.

Giữa lúc phong trào cách mạng đang lên cao thì ngày 22/6/1939 đồng chí đã bị bắt tại Sài Gòn, thực dân pháp đã tìm mọi hình thức tra tấn, hành hạ nhưng không có kết quả, cuối cùng chúng đã kết án đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc vì tội mang thẻ căn cước giả. Mãn hạn tù, Lê Hồng Phong đã trở về với quê nhà Thông Lãng.

Tại quê nhà, vượt qua mọi sự kiểm soát, cấm đoán, đồng chí vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng. Trước chính sách đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng Đông Dương, nhằm thủ tiêu mọi quyền lợi và thành quả mà nhân dân Đông Dương đã giành được trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, ngày 29/9/1939, Trung ương Đảng gửi thông cáo cho các cấp bộ Đảng, kêu gọi cán bộ đảng viên nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật. Lo sợ đồng chí Lê Hồng Phong trốn thoát, tiếp tục hoạt động lãnh đạo cách mạng, chính quyền thực dân Pháp tiếp tục bắt giam đồng chí lần 2 vào ngày 20/1/1940. Không có chứng cứ để buộc tội Lê Hồng Phong, tòa án thực dân vẫn kết án đồng chí 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc và đày đồng chí ra Côn Đảo vào cuối năm 1940.

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đày ra Côn Đảo số tù nhân nhiều chưa từng thấy, năm 1940 là 2452 người, năm 1941 là 4860 người. Mỗi khám nhốt từ 250 đến 300 người. Đây là thời kỳ dã man, tàn bạo nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo, lớp tù nhân lúc bấy giờ hầu hết bị cấm cố ở Banh II và Banh III, Lê Hồng Phong bị giam tại xà lim số 5 banh II mục đích cô lập đồng chí với tổ chức tù chính trị ở Côn Đảo.

Tuy nhiên, dù bị giam ở khu vực nào, qua hệ thống cơ sở tù chính trị làm khổ sai và bồi bếp, tổ chức Đảng ở Côn Đảo vẫn liên lạc được với đồng chí Lê Hồng Phong. Thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho bọn chúa đảo phải hãm hại đồng chí, do vậy, bọn cai ngục đã áp dụng một chế độ lao tù hà khắc bất chấp cả luật pháp với tù nhân, hàng ngày Lê Hồng Phong bị đánh đập hết sức dã man bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, đánh trong lúc lao công, lúc tắm giặt, lúc điểm danh và cả trong bữa ăn hàng ngày.

Thông qua các đầu mối liên lạc, đồng chí Lê Hồng Phong đã truyền đạt lại tinh thần của các văn kiện về Đại hội VII Quốc tế cộng sản (7/1935) cho các đồng chí trong Đảng ủy chi bộ nhà tù Côn đảo. Cũng trong thời gian ở Côn Đảo, sau khi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hi sinh được hơn 1 năm, Lê Hồng Phong mới hay tin về người vợ, người đồng chí của mình.

Ngày 6/9/1942 đồng chí Lê Hồng Phong hy sinh tại khu cấm cố biệt lập Banh II, đồng chí đã sống, chiến đấu, yêu thương cho đến hơi thở cuối cùng với khí phách của người cộng sản: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của Cách mạng”.

Lê Hồng Phong- Người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh, một người chiến sỹ cộng sản tiêu biểu, cuộc đời hoạt động cống hiến cho Đảng, cho cách mạng và nhân dân của đồng chí tuy không dài nhưng đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, tinh thần bất khuất không lùi bước trước kẻ thù. Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong là tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí vì độc lập dân tộc và lý tưởng Cộng sản sẽ sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam. Ngày nay, chúng ta học tập ở những bậc tiền bối như đồng chí Lê Hồng Phong đó là những phẩm chất, ý chí, tinh thần và niềm tin vững chắc vào Đảng, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngày đăng: 31-08-2022
Lê Hồng Ngân (Phòng Hành chính- Tổng hợp)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website