ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN NGÂN - NHÀ LÃNH ĐẠO TIỀN BỐI XUẤT SẮC CỦA ĐẢNG VÀ CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902, trong một gia đình nông dân yêu nước và có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Thời niên thiếu, Võ Văn Ngân đã rất ham học hỏi và có tinh thần tự lực vươn lên. Ngay từ nhỏ, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược; chịu ảnh hưởng từ truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, đặc biệt là người anh trai Võ Văn Tần, nên Võ Văn Ngân sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân sâu sắc.
Những năm 20 của thế kỷ XX, chàng thanh niên Võ Văn Ngân lên Sài Gòn gia nhập Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng), rồi vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Năm 1929, đồng chí Võ Văn Ngân tham gia thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đầu tiên ở làng Đức Hòa. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Võ Văn Ngân là đảng viên Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Chợ Lớn, lập vào ngày 6/3/1930 tại làng Đức Hòa.
Tháng 5/1930, khi quận ủy Đức Hòa thành lập, đồng chí Võ Văn Ngân được bầu vào Quận ủy (do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư). Ngày 04/6/1930, Đồng chí cùng quận ủy Đức Hòa thực hiện chỉ đạo của liên tỉnh ủy phối hợp lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ diễn ra tại quận lỵ Đức Hòa. Sau cuộc biểu tình trên, đêm 22/9/1930, nhà cầm quyền Pháp điên cuồng ra lệnh truy lùng những người cộng sản, đồng chí Võ Văn Ngân phải lánh sang Hóc Môn - Gia Định để tiếp tục hoạt động.
Cuối năm 1931, nhiều đồng chí Tỉnh ủy Gia Định bị địch bắt, đồng chí Võ Văn Ngân cùng anh trai Võ Văn Tần ra sức khôi phục lại các cơ sở Đảng và cùng với các đồng chí khác lần lượt lập lại quận ủy Gò Vấp, Hóc Môn, tái lập Tỉnh ủy Gia Định; được Xứ ủy chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.
Năm 1932, đồng chí Võ Văn Ngân về làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay đồng chí Võ Văn Tần, góp công sức vào việc khôi phục tổ chức, củng cố cơ sở Đảng ở cả 2 tỉnh Chợ Lớn - Gia Định trong thời kỳ thoái trào 1931-1933.
Đầu năm 1933, đồng chí Võ Văn Ngân vừa là Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn, vừa là thành viên của Đặc ủy Vàm Cỏ Đông; đầu tháng 3/1935, được tổ chức Đảng tín nhiệm bổ sung vào Xứ ủy, trực tiếp về phụ trách Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất.
Tháng 3/1935, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Võ Văn Ngân được bầu là một trong 9 ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.Sau Đại hội Đảng toàn quốc, đồng chí Võ Văn Ngân trở về Nam kỳ hoạt động trong hoàn cảnh 8 ủy viên Trung ương Đảng lần lượt sa lưới mật thám, Xứ ủy lại bị vỡ, Võ Văn Ngân cùng các đồng chí khác kiên trì khôi phục lại Xứ ủy và trực tiếp làm Bí thư Xứ ủy.Trong giai đoạn này, đồng chí Võ Văn Ngân còn cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy tiến hành xây dựng căn cứ 18 thôn Vườn Trầu, Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định làm hậu cứ an toàn cho Xứ ủy và Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành nhiều hội nghị đề ra các nghị quyết quan trọng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương lần thứ VI về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đưa nhân dân ta vào thời kỳ chuẩn bị trực tiếp vận động cứu nước, đây là tiền đề vô cùng quan trọng cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công rực rỡ.
Năm 1936, tại Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư, hàng trăm ủy ban hành động ra đời; Đảng đưa người ra công khai ứng cử vào Hội đồng Quản hạt thành phố, Đồng chí trực tiếp lãnh đạo nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền dân sinh, dân chủ tại Sài Gòn - Chợ Lớn.Giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển mạnh mẽ và sôi nổi sau những năm tháng bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệtthì đồng chí Võ Văn Ngân lâm bệnh.
Tháng 3/1937, sau Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Ngân chuyển bệnh nặng, Trung ương Đảng quyết định để Đồng chí nghỉ dưỡng bệnh lâu dài và chỉ định đồng chí Võ Văn Tần thay làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bổ sung vào Trung ương Đảng.
Năm 1938, đồng chí Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa bệnh, nhưng do bệnh nặng, đồng chí từ trần vào ngày 29/10/1938, khi mới 36 tuổi.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân (1902 - 2022) là dịp để chúng ta khẳng định, tri ân công lao to lớn, noi theo tấm gương kiên trung, phấn đấu, hy sinh của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh sự đóng góp của các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng của cách mạng Việt Nam.
Tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Ngân, chúng ta nguyện noi gương Đồng chí và các nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, lao động, công tác và chiến đấu, góp phần đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nguyễn Hồng Minh Phòng Hành chính - Tổng hợp
Các bài viết khác
Ý nghĩa, lịch sử ngày Pháp luật Việt Nam 09-11-2024
Truyền lửa cho hệ trẻ qua triển lãm chuyên đề về anh hùng Hoàng Đăng Miện 05-11-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Tiên Du 04-11-2024
BẢO TÀNG TỈNH BẮC NINH TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ 25-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND - Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại thị xã Quế Võ 24-10-2024
Khai mạc triển lãm “Anh hùng LLVTND – Bông sen thép Hoàng Đăng Miện” tại huyện Lương Tài 12-10-2024