SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM VÀ NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM (20/10)

 

Ngày 20/10 là ngày đầu tiên trong lịch sử của nước ta một đoàn thể quần chúng của phụ nữ được hoạt động hợp pháp và công khai, nhằm đoàn kết, động viên lực lượng phụ nữ đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra đời trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 92 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã không ngừng phát triển và trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, rộng khắp, vận động, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia tích cực và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo tàng Bắc Ninh xin giới thiệu những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Giai đoạn 1925 - 1929: Đây là thời kỳ đầu hình thành các tổ chức phụ nữ trong việc đấu tranh cách mạng. Cả nước có 5 nhóm phụ nữ được tổ chức với nhiều hình thức hoạt động phong phú: ở Bắc Ninh có nhóm hơn 30 chị em tổ học nghề đăng ten; ở Vinh (Nghệ An) có tổ Sinh hội đỏ và thành lập tổ Phụ nữ Giải phóng; ở Triệu Phong, Quảng Trị có tổ chức cửa hàng Hưng Nghiệp Hội Xã; ở Huế có nhóm Sinh hội đỏ ở trường Nữ học Đồng Khánh. Các tổ nhóm này vừa tham gia sinh hoạt vừa âm thầm tuyên truyền hoạt động cách mạng.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập các tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Tháng 10/1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng, Đảng đã ra nghị quyết đầu tiên về công tác vận động phụ nữ, đó là Nghị quyết về phụ nữ vận động. Đây là bản Nghị quyết lịch sử, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội. Bản Nghị quyết nhấn mạnh: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy, nên công tác trong quần chúng phụ nữ không phải là một cái nhiệm vụ phụ thuộc của Đảng; công tác ấy chánh là một cái nhiệm vụ rất lớn và rất trọng yếu”.

Chính vì vậy vào ngày 20/10/1930, Hội phụ nữ chính thức được thành lập. Sự kiện lịch sử này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta diễn ra ngày càng ác liệt, nhiều tổ chức phụ nữ được hình thành và phát triển tại các địa phương với các tên gọi: Hội phụ nữ giải phóng (1930-1935), Hội phụ nữ Dân chủ (1936-1938), Hội phụ nữ Phản đế (1939-1941), Đoàn phụ nữ Cứu quốc (16/6/1941-1945).

Ngày 20/10/1946 Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra mắt trên cơ sở hợp nhất các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Phụ nữ dân chủ, Hội Phụ nữ Phản đế. Tháng 4/1950, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Năm 1948, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới.
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949.

Ảnh tư liệu

 

Tại miền Nam, ngày 8/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đóng góp sức người, sức của to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị Thống nhất Hội Liên hiệp phụ nữ toàn quốc được tổ chức. Hội nghị đã nhất trí hợp nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam thành một tổ chức thống nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị cũng quyết định lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội LHPN Việt Nam đón và tặng hoa cho bà Hà Thị Quế,
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhân dịp bà vào dự Hội nghị thống nhất hai tổ chức phụ nữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 6/1976.
Ảnh: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

 

Như vậy, mặc dù tên gọi có nhiều thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhưng trước sau vẫn là tổ chức kiên trung của phụ nữ Việt Nam, là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 31/8/2010, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam xin chủ trương công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (Tờ trình số 17-TTr/ĐCT, ngày 31/8/2010).

Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư ra thông báo số 382/TB-TW do đồng chí Trương Tấn Sang ký công nhận Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Kể từ đó, ngày 20/10 hàng năm trở thành Ngày Phụ nữ Việt Nam nhằm tôn vinh vai trò của người phụ nữ Việt Nam cho những đóng góp của gia đình và xã hội./.

 

Ngày đăng: 18-10-2022
Nguyễn Thị Lan Anh (tổng hợp)

Giờ tham quan

Địa chỉ

Liên kết website